Ứng phó mức thuế cao của Mỹ

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ áp mức thuế lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là một thách thức lớn.

Lao động công nghệ cao ở Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (ảnh minh họa)

Lao động công nghệ cao ở Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (ảnh minh họa)

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc áp mức thuế 46% sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, kéo theo nguy cơ sụt giảm đơn hàng và doanh thu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dự kiến gồm điện tử, dệt may, da giày và nông nghiệp. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mức thuế này có thể gây ra những “tác động tàn phá” đối với nhiều lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế cao với hàng hóa Việt Nam không nên được nhìn nhận như một sự đối đầu hay một “cuộc chiến thương mại” giữa hai quốc gia, mà nên xem đây là một thách thức tất yếu trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.

Trên thực tế, dù có những cam kết với WTO về tự do thương mại, không phân biệt đối xử với hàng hóa trong nước hay nhập khẩu thì xu hướng bảo hộ thương mại là thực tế khách quan. Việc một quốc gia áp dụng các biện pháp thuế quan cao hơn nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước là điều không hiếm gặp, đặc biệt với những nước có thâm hụt thương mại lớn như Mỹ. Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ ngày càng tăng, khó tránh khỏi sự giám sát và điều chỉnh chính sách thương mại từ Washington.

Giả dụ như Việt Nam chọn cách đáp trả mạnh mẽ bằng các biện pháp mang tính đối đầu, chẳng hạn áp thuế ngược lại hoặc hạn chế nhập khẩu từ Mỹ, điều này có thể làm tổn hại đến quan hệ thương mại song phương và khiến tình hình trở nên xấu hơn. Trong khi đó, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng của hàng Việt Nam và mất đi thị trường này sẽ gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, việc làm của người lao động.

Thay vì xem việc Mỹ áp thuế cao là một khó khăn hay thách thức đơn thuần, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để thực hiện những chuyển đổi quan trọng trong mô hình sản xuất, xuất khẩu và phát triển kinh tế. Dưới đây là các hướng đi chiến lược có thể giúp nền kinh tế Việt Nam thích ứng và phát triển bền vững hơn.

Thứ nhất, dịch chuyển từ lao động giản đơn sang công nghệ cao, lao động có tay nghề. Việt Nam hiện vẫn có tỷ lệ lớn các ngành sản xuất dựa vào lao động giản đơn, đặc biệt là dệt may, da giày, lắp ráp điện tử… Những ngành này dễ bị tổn thương trước các biện pháp bảo hộ thương mại và cạnh tranh với các nước có chi phí lao động thấp hơn. Cần tập trung đầu tư vào công nghệ cao, tự động hóa để nâng cao năng suất, giảm phụ thuộc vào nhân công giá rẻ. Các ngành như sản xuất chip bán dẫn, công nghệ AI, ô tô điện, thiết bị y tế... có thể là những lĩnh vực tiềm năng.

Thứ hai, hướng đến xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Việt Nam hiện có thặng dư thương mại lớn với Mỹ chủ yếu đến từ hàng hóa gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Để tránh rủi ro từ chính sách bảo hộ, cần dịch chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đầu tư vào sản phẩm có thương hiệu, sáng tạo và chất lượng cao thay vì chỉ tập trung vào khối lượng xuất khẩu. Ví dụ thay vì chỉ xuất khẩu cà phê thô, cần phát triển các thương hiệu cà phê chế biến sâu có giá trị cao hơn. Tận dụng lợi thế từ các ngành công nghiệp công nghệ cao để chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu sang các mặt hàng ít bị ảnh hưởng bởi thuế suất cao.

Thứ ba, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam đang bị xem như phụ thuộc vào Mỹ với hơn 25% kim ngạch xuất khẩu. Khi đối mặt với rào cản thuế quan, việc tìm kiếm thị trường thay thế là điều cần thiết. Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA (EU), RCEP (châu Á), CPTPP để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Úc... Đầu tư vào các thị trường mới nổi như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ để giảm phụ thuộc từ thị trường Mỹ. Tăng cường hợp tác kinh tế khu vực ASEAN, tận dụng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng châu Á.

Thứ tư, khai thác thị trường tiêu dùng nội địa với 100 triệu dân. Việt Nam có một lợi thế quan trọng mà nhiều nước xuất khẩu không có, đó là một thị trường nội địa lớn với hơn 100 triệu dân. Đây có thể là “van giảm áp” cho các doanh nghiệp nếu biết tận dụng đúng cách. Tăng cường chiến dịch "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nâng cao chất lượng và thương hiệu hàng nội địa để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Phát triển hệ thống phân phối hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận người tiêu dùng trong nước qua thương mại điện tử, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Thúc đẩy tiêu dùng thông qua các gói kích cầu, giảm thuế, hỗ trợ tín dụng tiêu dùng để tăng sức mua trong nước.

Bên cạnh các giải pháp tự thân, tiếp tục đàm phán với Mỹ là một hướng đi quan trọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ mức thuế cao. Việt Nam có thể tận dụng cơ chế đối thoại song phương, đề xuất các cam kết về thương mại công bằng, minh bạch để Mỹ xem xét điều chỉnh mức thuế. Chứng minh nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu - yếu tố có thể giúp giảm nghi ngờ về gian lận xuất xứ. Hợp tác với doanh nghiệp Mỹ, tận dụng sự ủng hộ từ các tập đoàn có lợi ích tại Việt Nam. Sử dụng WTO và các kênh ngoại giao thương mại để làm rõ lập trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng hóa Việt Nam.

Ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Việt Nam đã chủ động bày tỏ thiện chí. Viết trên mạng xã hội Truth Sociald trưa 4/4, theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vừa “có một cuộc điện đàm rất hiệu quả” với Tổng Bí thư Tô Lâm.

"Ông ấy nói với tôi rằng Việt Nam muốn giảm thuế quan xuống MỨC 0 nếu có thể đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước chúng ta, gửi lời cảm ơn đến ông ấy và nói rằng tôi mong được gặp trực tiếp trong thời gian tới”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết.

Đây là một kết quả quan trọng. Lúc này, chúng ta phải mở ra nhiều hướng đi và có kịch bản cho các tình huống. Về lâu dài phải xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giàu mạnh, một nền kinh tế thị trường tiến bộ.

Th.S NGUYỄN MẠNH THẮNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/ung-pho-muc-thue-cao-cua-my-408768.html