Bữa trưa đắt đỏ của dân văn phòng ở Phú Mỹ Hưng, Sala
Nhân viên văn phòng làm việc ở các khu đô thị biệt lập như Sala hay Phú Mỹ Hưng có ít lựa chọn và phải chi 50.000-65.000 đồng cho một bữa trưa.
Gần 12h, anh Phạm Tấn, làm việc tại khu Trung tâm Thương mại Tài chính Quốc tế Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM), cùng nhóm đồng nghiệp tới quán cơm gần văn phòng trên đường Hoàng Văn Thái.
Anh cho biết vì đặc thù khu này khá biệt lập nên những người làm việc ở đây ít lựa chọn ăn uống. Gần công ty của anh chỉ có 2 quán cơm trưa văn phòng, với mức giá thấp nhất là 50.000 đồng/phần.
"Giá tiền này, nếu ở nơi khác, tôi có thể ăn bữa no. Nhưng ở đây, phần ăn 'như mèo', gồm một chút cơm, ít thịt, một chén canh nhỏ. Muốn no, tôi có thể phải chi cả trăm nghìn. Bạn bè tôi làm ở nơi khác, mua ly cà phê 25.000 đồng, 30.000 đồng. Ở khu tôi làm việc, giá có thể là 50.000 đồng, thậm chí là 70.000", anh kể với Zing.
Do cách biệt với khu dân cư, gần khu đô thị mới, mọi quán ăn ở đây đều đắt đỏ hơn so với nơi khác, cao hơn khoảng 20-30%.
"Nếu muốn ăn uống đa dạng phải đi tới khu vực khác, trong khi chỉ có một tiếng nghỉ trưa nên quá bất tiện. Việc chi tiền một bữa có vẻ không là mấy. Nhưng tính ra cả tháng thì rất tốn kém", anh Tấn nói thêm.
Tương tự anh Phạm Tấn, nhân viên văn phòng làm việc tại các tòa nhà ở khu đô thị cao cấp nhưng biệt lập như Phú Mỹ Hưng (quận 7) hay Sala (TP Thủ Đức) ít lựa chọn hàng quán cho bữa trưa. Dù ăn uống gần văn phòng hay đặt đồ ăn trên ứng dụng, họ đều phải chịu mức giá đắt đỏ.
Anh Lê Dương (sinh năm 1990), chủ quán Balicama trên đường Hoàng Văn Thái, cho biết khu vực này tập trung các tòa nhà văn phòng lớn nhưng chỉ có khoảng 3 hàng cơm trưa. Ngoài ra, có thêm một số cửa hàng tiện lợi và các nhà hàng trong trung tâm thương mại.
"Đặc thù của khu này là chỉ có tòa văn phòng nên ngoài người đến làm việc, không có dân cư sinh sống ở đây. Vì vậy, hầu hết quán ăn chỉ hoạt động vào giờ trưa, như quán của tôi mở đến tầm 14h là đóng cửa".
Dù hoạt động trong khoảng thời gian ngắn, anh Dương chia sẻ việc kinh doanh của quán vẫn khá tốt. Từ 12h đến 13h, gần 40 bàn ăn tại quán đều kín chỗ. Khách đi ăn trễ không có nhiều lựa chọn vì các món hết rất nhanh.
"Thu nhập, mức sống của dân văn phòng ở đây cũng thuộc mức trung bình. Lâu lâu họ mới dùng bữa ở các nhà hàng đắt đỏ khu trung tâm thương mại, còn lại chủ yếu vẫn ăn ở những quán như chúng tôi. Lượng khách rất đông nên dù chỉ bán trong khoảng 1-2 tiếng buổi trưa thôi, quán vẫn làm ăn khá ổn", anh nói.
Đầu tháng 6, quán cơm này đã tăng giá từ 45.000 đồng/phần ăn lên 50.000 đồng/phần ăn. Chủ tiệm cho biết đây là mức giá trung bình ở khu vực này.
"Quán chúng tôi mở được 2 năm và đây là lần đầu tiên thay đổi giá. Dịch bệnh, bão giá khiến giá nguyên liệu tăng. Hơn nữa, tiền mặt bằng trong khu vực này cũng không hề rẻ", anh Dương giải thích.
Cũng ở khu vực này, một số quán cà phê, cửa hàng tận dụng không gian, kê thêm bàn ghế để bán đồ ăn trưa. Các món cơm văn phòng đều đơn giản, không yêu cầu cao nhưng bán tốt vì khách chỉ có vài nơi để chọn.
Tương tự ở Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Sala cũng có ít quán ăn trưa. Vì đặc thù khá biệt lập và chủ yếu phục vụ dân văn phòng nên các quán ở khu này kết hợp bán cơm trưa và cà phê. Mức giá trung bình ở các quán này dao động từ 40.000 đồng đến trên 80.000 đồng.
Sát giờ ăn trưa, Chu Quốc Huy (33 tuổi), nhân viên ngân hàng làm việc tại khu đô thị Sala, tranh thủ xuống mua 3 phần cơm ở quán đối diện văn phòng.
Giờ nghỉ trưa của công ty trùng với thời điểm quá tải của các quán ăn, anh xác định không có chỗ ngồi lại nên quyết định mang lên văn phòng để ăn cùng đồng nghiệp.
“Một phần cơm trưa ở quán này có giá 55.000 đồng, chưa kể mua thêm nước sẽ tốn kém hơn. Giá này là mức trung bình ở Sala, nhưng tất nhiên đắt hơn các khu vực khác. Khu này biệt lập, chỉ toàn các tòa văn phòng nên ít lựa chọn ăn uống, chỉ có khoảng 6-7 quán ăn, giá đều ở mức cao”, anh nói.
Anh Huy và đồng nghiệp nhiều lần rơi vào cảnh vừa xuống tới nơi quán đã hết chỗ, phải đi sang quán khác hoặc trở lên văn phòng đặt đồ qua app.
Vì mức giá đồ ăn ở các quán trong khu vực cao và ít lựa chọn, anh thường xuyên đặt cơm trưa qua ứng dụng vài lần một tuần.
“Tuy nhiên ở đây muốn đặt đồ cũng lắm rắc rối. Chúng tôi chỉ có thể đặt từ quận 1 hoặc quận Bình Thạnh là gần nhất, nhưng quãng đường cũng xa và nhiều hôm mất cả tiếng đồng hồ mới giao đến. Tôi thường đặt chung với 3-4 người để tiết kiệm phí ship.
Để tránh giờ cao điểm, chúng tôi đặt từ 11h để đến 12h nghỉ là kịp có đồ ăn. Nhưng cũng có những hôm ngủ trưa dậy mà đồ vẫn chưa ship tới. Thời gian này giá xăng lên nên các chi phí cũng bị đẩy lên theo”.
Trong thời kỳ bão giá, việc đặt đồ ở xa giao tới không còn giúp anh tiết kiệm so với ăn ở các quán gần văn phòng.
“Giá đồ ăn niêm yết trên app thường cao hơn 20-30% so với khi ăn tại chỗ, do phải chiết khấu cho app. Phí ship cũng đã tăng lên. Tính ra, mua ở quán bên ngoài không hề rẻ hơn so với ăn ở quanh đây”, anh giải thích.
Anh Huy cho biết so với khi còn làm ở văn phòng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) cách đây 2 năm, chi phí cho bữa trưa của anh tại khu Sala cao hơn 20%.
“Hồi còn làm bên quận 1, muốn đặt đồ ăn gì cũng dễ, đặt app nào cũng rất nhanh 5-10 phút là có. Bên các quận khác cũng rất nhiều lựa chọn, muốn ăn quán sang hay ăn vỉa hè giá rẻ đều dễ dàng tìm được”, anh Huy nói.
Làm việc tại công ty tư vấn ở Sala hơn một năm nay, anh Nguyễn Hoài Nam (31 tuổi) đã thuộc hết quán ăn ở đây, bởi “số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Ưu tiên “nhanh, gọn, rẻ” nên anh chủ yếu ăn ở quán cơm bình dân ngay dưới văn phòng - nơi mức giá mềm nhất khu vực này.
“Mỗi suất cơm ở quán này giá 40.000 đồng, thêm ly cà phê 20.000 đồng, rẻ hơn những quán khác quanh đây. Chỉ có một tiếng nghỉ trưa nên tôi thường chạy xuống quán này ăn, rồi lên ngủ trưa lấy sức làm việc buổi chiều”, anh nói.
Anh Nam cho biết một lựa chọn khác giúp tiết kiệm túi tiền của dân văn phòng ở đây là ăn uống trong các cửa hàng tiện lợi, với các món như cơm cuộn, bánh bao, mì ăn liền.
Trước đó, anh Nam làm việc tại Thảo Điền (TP Thủ Đức). So sánh với các quận khác trong thành phố, anh thấy Sala thực sự ít lựa chọn ăn trưa.
“Ví dụ ngay đường Thảo Điền nơi tôi từng làm việc có thể ăn tô hủ tiếu 30.000-35.000 đồng. Ngay cả những nơi đắt đỏ vùng trung tâm như đường Đồng Khởi hay Hồ Tùng Mậu, mọi người cũng có thể tìm các quán ăn vỉa hè với mức giá hợp túi tiền”.
Theo CNN, tình trạng "lạm phát giờ trưa", chỉ việc chi tiêu bắt buộc của dân văn phòng đang ngày càng đắt đỏ, trong khi mức lương của họ vẫn chỉ "dậm chân tại chỗ". Xu hướng “lạm phát bữa trưa” đang ảnh hưởng đến lượng lớn người lao động trên thế giới.
Tại Mỹ, công bố kết quả phân tích dữ liệu của công ty thanh toán Square cho thấy người tiêu dùng ở các thành phố lớn bao gồm San Francisco, Austin, New York, Chicago, Dallas, Houston, Atlanta, Seattle và Washington D.C. đều phải tiêu tốn nhiều tiền hơn cho bữa ăn giữa ngày.
85% dân công sở tại Australia tin rằng lạm phát bữa trưa là mối bận tâm khi họ trở lại văn phòng từ tháng 4, Businesswire đưa tin.
Theo The Korea Bizwire, lạm phát cũng dẫn đến giá bữa trưa tăng vọt ở Hàn. Chỉ số giá ăn uống tổng thể của nước này vào tháng 4/2021 tăng 6,6% so với một năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/1998.