Bức tranh hơn nghìn lời nói trong phòng xạ trị ung thư

Trong không gian vừa đủ tối ở phòng xạ trị, hai bức tranh phong cảnh trên trần nhà hiện rõ hơn. Người bệnh nằm im, hướng mắt nhìn lên bức tranh bầu trời đẹp như màu hy vọng.

Nằm một mình trong căn phòng tối mờ rộng gần 25 m2, chị Lê Vy hồi hộp đến lạnh gai óc. Dù vậy, người phụ nữ buộc phải giữ nguyên tư thế, bởi chỉ cần di chuyển vài mm, tia phóng xạ sẽ chiếu lệch.

Người phụ nữ cứ thế nhắm nghiền mắt từ khi lúc máy xạ bắt đầu chạy, hơn nửa chặng xạ mới dần hé mắt, thả lỏng hơn. Lúc này, đập vào mắt chị là hai bức tranh có bầu trời xanh, cây cối sinh động. Mọi thứ mới lạ, tươi mới như đang ở không gian khác.

 Bên trong phòng xạ trị cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bên trong phòng xạ trị cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bức tranh hơn nghìn lời nói

Một năm trước, chị Lê Vy (40 tuổi) được chẩn đoán ung thư vú. Kết quả đến bất ngờ khiến người phụ nữ quê Vĩnh Long suy sụp. Gia đình nhỏ 4 người ôm nhau khóc suốt đêm.

Ngày lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 2) để cắt ngực, đứa con trai út 13 tuổi cứ đòi theo mẹ. Sợ con thấy hình ảnh mình ốm yếu, chị lặng lẽ một mình đi xe lên TP Thủ Đức.

Theo phác đồ điều trị của bác sĩ, chị Lê Vy được xạ trị 16 lần, mỗi ngày một lần, cuối tuần được nghỉ "xả hơi".

"Các đợt hóa trị đã xong, tôi cũng bước vào lần xạ trị thứ 3. Hiện tại, tôi cũng không còn cảm giác lo sợ như lần đầu nằm trên giường xạ", chị Lê Vy chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Lần đầu tiên bước vào phòng xạ của khoa Xạ Tổng quát, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, nằm trên giường phẳng và trước mắt là một chiếc máy rất lớn khiến người phụ nữ choáng ngợp.

"Tim tôi đập nhanh, nắm chặt tay và nhắm mắt, giống như lần đi phẫu thuật. Cảm giác ấy, suốt đời tôi không thể quên", chị Lê Vy nói.

Theo quy trình xạ trị, khi bệnh nhân nằm im trên giường xạ khoảng 2 phút, kỹ thuật viên bước vào cài đặt thông số, điều chỉnh tư thế để bệnh nhân nằm đúng với tư thế như khi mô phỏng. Đảm bảo mọi thứ đúng với kế hoạch, ê-kíp sẽ ra khỏi phòng để không bị nhiễm xạ khi chiếu tia.

Đến lần xạ thứ hai, chị Vy không còn nhắm mắt khi nằm trên giường xạ nữa. Suốt quá trình xạ, người phụ nữ nhìn thẳng lên trần nhà, nơi có hai bức tranh sáng trưng. "Tâm trạng của tôi thoải mái hơn khi nhìn vào hai bức tranh phong cảnh, nó giúp phân tán sự tập trung, lúc đó tôi không còn chú ý đến chiếc máy xạ to lớn trên đầu nữa".

 Bệnh nhân 52 tuổi nằm trên giường xạ, mắt hướng về bức tranh phong cảnh màu sắc trên trần nhà. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bệnh nhân 52 tuổi nằm trên giường xạ, mắt hướng về bức tranh phong cảnh màu sắc trên trần nhà. Ảnh: Khương Nguyễn.

Vốn là người sợ không gian hẹp, những lần xạ đầu tiên đối với ông T.V.H. (52 tuổi, ngụ Vĩnh Long) không dễ dàng.

Được chẩn đoán ung thư vòm hầu, ông H. buộc phải tuân thủ xạ trị theo phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên, người đàn ông luôn sợ hãi, ám ảnh đến mức không thể nằm trên giường xạ quá 2 phút. Kỹ thuật viên phải động viên, hướng dẫn ông H. hít thở để bình tĩnh.

Điều kỳ lạ cũng xảy ra khi không gian tối dần, hai bức tranh trên trần nhà bật sáng hình ảnh bầu trời rộng thênh, mây trắng và cây cối xanh mướt. Ông H. dần tập trung nhìn vào hai bức tranh, sự chú ý cũng đã di chuyển từ chiếc máy lớn trên đầu sang không gian mới trên trần nhà.

"Từ lần đó đến nay, tôi đã xạ được thêm 17 lần, không lần nào tôi phải nhắm mắt nữa", ông H. tâm sự.

Món quà của bệnh viện

"Chúng tôi nghĩ tâm lý của một người bệnh lần đầu bước vào phòng xạ, trên đầu là một chiếc máy rất to xoay vòng vòng, đèn mờ, không gian im lặng hoàn toàn, phải ở trong phòng một mình... sẽ khiến họ cảm thấy ngợp và sợ", bác sĩ chuyên khoa II Hồ Văn Trung, Trưởng khoa Xạ trị Tổng quát, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ.

Theo bác sĩ Trung, thiết kế này ở các nước đã được triển khai, giúp nâng đỡ tình thần cho bệnh nhân ung thư. Khi xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, thiết kế này cũng được đưa vào trang trí tại phòng xạ trị. Khoảng cách giữa trần và giường xạ khá lớn, giúp người bệnh không còn cảm giác khó thở.

 Bức tranh mang màu hy vọng là món quà mà bệnh viện dành tặng bệnh nhân. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bức tranh mang màu hy vọng là món quà mà bệnh viện dành tặng bệnh nhân. Ảnh: Khương Nguyễn.

"Hai bức tranh phong cảnh trong mỗi phòng xạ là món quà nhỏ bé bệnh viện dành tặng người bệnh. Món quà này nhằm động viên họ tiếp tục chiến đấu với bệnh tật", bác sĩ Trung nói.

Chỉ một chi tiết rất nhỏ là hai bức tranh trên trần nhà, nhưng chứa đựng nhiều tâm huyết của các bác sĩ đối với người bệnh. Các bác sĩ đã đặt mình vào vị trí của người bệnh để đưa thiết kế này vào phòng xạ.

Những bức tranh có bầu trời, hoa lá, cây xanh lên trần nhà, lúc người bệnh nằm ngửa ra nhìn lên sẽ thấy thư giãn hơn là một chiếc trần nhà trống.

Trong lúc xạ, bệnh nhân sẽ nằm trong phòng một mình nhưng ở bên ngoài luôn có kỹ thuật viên theo dõi sát sao. Người bệnh có thể trao đổi thông qua bộ thu phát sóng trong phòng. Nếu người bệnh quá sợ, kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn họ nhắm mắt và ngủ để không sao nhãng hay nhúc nhích.

Bên cạnh phẫu thuật, hóa trị thì xạ trị là một trong những phương pháp chủ lực trong điều trị ung thư. Phương pháp này sử dụng các loại tia phóng xạ để phá hủy, tiêu diệt các tế bào ung thư.

Tùy từng loại bệnh ung thư, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xạ trị đơn thuần hoặc phối hợp cùng các phương thức khác như phẫu thuật, liệu pháp điều trị toàn thân (hóa trị, liệu pháp nhắm đích, miễn dịch). Mỗi bệnh nhân sẽ được chọn lựa phác đồ điều trị, kỹ thuật, liều xạ và thời gian phù hợp.

Hiện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có 4 khoa xạ và 13 máy xạ trị. Trung bình, mỗi ca bệnh sẽ xạ 20-30 lần (phân liều), mỗi phân liều kéo dài khoảng 10-60 phút, mỗi ngày một phân liều, trừ các ngày nghỉ.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-tranh-hon-nghin-loi-noi-trong-phong-xa-tri-ung-thu-post1477748.html