Bức tranh ngành thực phẩm và đồ uống 2024
Giá trị thị trường ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng.
Nhiều khởi sắc bất chấp suy thoái
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam của iPOS.vn cho biết, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng gần 11,5%, đạt hơn 590 nghìn tỷ đồng. Riêng thị trường ăn tại quán đóng góp 538.500 tỷ đồng, tăng gần 10,9% so với năm trước đó.
“Năm 2023 được đánh giá là một năm đầy thách thức với ngành F&B Việt Nam, dưới ảnh hưởng chung của nền kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, thị trường vẫn có những tín hiệu tích cực, cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ", ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc iPOS.vn nhận định.
Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, khoảng 80% trong gần 3.000 doanh nghiệp F&B được hỏi cho biết tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt lên và có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Hơn một nửa trong số đó có dự định mở rộng quy mô kinh doanh.
Các tín hiệu tích cực trong việc mở rộng kinh doanh đến từ các mô hình quán nhỏ, ki-ốt bán hàng,... do ảnh hưởng mạnh mẽ từ các ẩm thực mang tính xu hướng. Đồng thời, một số tay chơi mới với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, đã nhân cơ hội để mở rộng kinh doanh với các mặt bằng đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM.
Đáng chú ý, Hà Nội đang chiếm tỷ trọng lớn về số lượng cửa hàng dịch vụ ăn uống và đang dần đuổi kịp TP.HCM, với tỷ trọng lần lượt là 23,3% và 28%. Tiêu dùng Hà Nội đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, người dân không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ đợt suy thoái vừa qua, đồng thời số lượng cửa hàng đóng cửa được ghi nhận thấp hơn nhiều so với TP.HCM.
Theo ông Đỗ Duy Thành, Giám đốc F&B Director, năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành kinh doanh nhà hàng trung và cao cấp, không chỉ bởi số lượng gia tăng tương ứng của nhóm khách hàng trung lưu, mà còn từ hiệu ứng giải thưởng Michelin tại Việt Nam.
"Michelin đang khiến cho các mô hình đầu tư mới năm 2024 học tập, sao chép và tối ưu từ danh sách 2023. Đi sâu hơn, tôi nghĩ xu thế ngành nhà hàng cao cấp sẽ hướng tới mô hình nghệ thuật ẩm thực", ông Thanh nói.
Nghiên cứu gần 4.000 thực khách cũng cho thấy, chi tiêu của người dân có sự tăng trưởng nhẹ. Đối với tiêu dùng ăn ngoài, mức chi cho tiêu dùng của người Việt gia tăng từ 5-10%. Thậm chí, có tới 14,9% thực khách sẵn sàng chi tiêu bữa tối hàng ngày với mức trên 100 nghìn đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2022.
Sự siết chặt “ngạt thở" của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến
Theo iPOS, nửa cuối năm 2023 chứng kiến sự siết chặt “ngạt thở" của các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, do các đơn vị giảm chương trình khuyến mãi và tăng phí vận chuyển.
Lượng đơn và tần suất đặt hàng cũng ghi nhận giảm nhẹ, nhưng giá trị cho từng đơn hàng lại gia tăng. Lý giải cho điều này, thực khách trực tuyến đã dần quen với đơn hàng không khuyến mãi và không miễn phí vận chuyển. Đồng thời, xu hướng đặt hàng theo nhóm (cùng với đồng nghiệp, bạn bè) cũng gia tăng.
Theo báo cáo, 20,4% thực khách không đặt hàng online trong năm 2023, tăng 7,4% với năm 2022. Tuy vậy, tần suất đặt hàng trực tuyến của người Việt vẫn ở mức cao, với 29,4% gọi giao đồ ăn từ 1-2 lần/tuần, và 20% gọi giao đồ ăn từ 3-4 lần/tuần. Doanh thu của thị trường giao đồ ăn trực tuyến năm 2023 tăng trưởng hơn 20,18%, đạt mốc 52,4 nghìn tỉ đồng.
"Là doanh nghiệp về ẩm thực có tỷ trọng doanh thu từ các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến chiếm tới gần 60%, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt nhất về tiêu dùng thực khách online và nhu cầu tiêu dùng trực tuyến", ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Cơm thố Anh Nguyễn cho biết.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp lên ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến ngày càng nhiều, để giữ mức doanh thu tốt, Cơm thố Anh Nguyễn đã phải mất nhiều chi phí hơn để có một đơn hàng. Phần lớn là dành cho marketing, mua quảng cáo ở các vị trí đắc địa.
Giá trị thị trường F&B 2024 dự kiến đạt hơn 655 nghìn tỷ đồng
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong năm năm tới. Các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thu đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng thêm đà tăng trưởng.
Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.
Trong đó, số lượng chuỗi cửa hàng F&B tại Việt Nam được dự báo chiếm hơn 6% thị phần vào năm 2027.
Năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ, sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi.
Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí: Có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng, và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân.
Ngoài ra, nhiều yếu tố cũng góp phần cho sự tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới như: sự tăng trưởng của ngành du lịch; quy mô thị trường trà, cà phê, đồ uống có cồn gia tăng; tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, thế hệ Z - tương lai của ngành F&B đang dần chiếm lĩnh thị trường...
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/buc-tranh-nganh-thuc-pham-va-do-uong-2024-1711512653296.htm