Bức tranh xuất khẩu đang sáng dần

Sự hồi phục tích cực của đơn hàng xuất khẩu trong tháng 5/2024, với doanh thu gần 33 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng lên 156,7 tỷ USD, đang tiếp thêm sức cho doanh nghiệp trong chặng đường còn lại của năm.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) Ảnh: Đức Thanh

Sản xuất tại Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) Ảnh: Đức Thanh

Đơn hàng điện tử, đồ gỗ, nông sản tăng vọt

Đi qua 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tiếp tục ghi dấu ấn hồi phục ấn tượng, với kim ngạch đạt 156,7 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành hàng có vai trò cực kỳ lớn trong xuất khẩu như nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo mang về những con số khả quan, ghi nhận sự thích ứng linh hoạt trong bối cảnh thị trường tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa thực sự hồi phục, lạm phát tại Mỹ, EU vẫn cao, cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Với cầu tiêu dùng tốt lên, mở thêm được thị trường mới đã đưa lượng đặt hàng linh kiện điện tử của Tập đoàn Sunhouse tăng kỷ lục, từ 40.000 sản phẩm xuất khẩu năm ngoái, lên 8 triệu sản phẩm trong năm 2024.

Không chỉ Sunhouse, đại bộ phận doanh nghiệp, nhà cung ứng lớn trong mảng linh kiện điện tử đều ghi nhận đơn hàng cải thiện mạnh mẽ, thể hiện qua kết quả xuất khẩu của nhóm hàng này tăng 33,4% trong 5 tháng, đạt 27,38 tỷ USD.

Đại diện Tập đoàn Sunhouse cho biết: “Nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thực thi, doanh nghiệp mở thêm được thị trường mới, từ đó, đơn hàng ký kết tăng 200 lần”.

Đi qua 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tiếp tục ghi dấu ấn hồi phục ấn tượng, với kim ngạch đạt 156,7 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Đơn đặt hàng về nhiều đưa kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện tháng 5 đạt 4,4 tỷ USD, 5 tháng 22,54 tỷ USD, tăng gần 12%.

Những tháng đầu năm cũng chứng kiến sự khởi sắc trở lại của nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, khi mang về 6,15 tỷ USD, tăng 23,5%. Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, máy móc - thiết bị - phụ tùng cũng đều tăng trưởng dương.

Trong khi đó, các sản phẩm ngành nông nghiệp cũng được thị trường thế giới biết tới và tăng nhập khẩu. Dễ thấy, 5 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản (3,5 tỷ USD, tăng 3,6%), cà phê (2,9 tỷ USD, tăng 43,9%), gạo (2,648 tỷ USD, tăng 38,2%), rau quả (2,585 tỷ USD, tăng 28,5%), hạt điều (1,546 tỷ USD, tăng 19,3%).

Kết quả tăng trưởng kể trên nhờ giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng được cải thiện, như giá gạo đạt 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%, cao su 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu 4.308 USD/tấn, tăng 39,3%…

Đánh giá kết quả xuất khẩu 5 tháng, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, xuất khẩu gạo tăng khá, giá gạo trong nước cũng tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả cho người trồng lúa.

Xuất khẩu gạo năm 2024, theo VFA, sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu, cấm xuất khẩu gạo do El Nino không. Nhiều khả năng đến tháng 9, nước này chưa dỡ bỏ. Đây là cơ hội cho Việt Nam.

Xuất khẩu kỳ vọng vượt 370 tỷ USD

Thương mại hàng hóa quốc tế khởi sắc sẽ có tác động tích cực đến sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong nước. Với những diễn biến về đơn hàng gần đây, xuất khẩu năm 2024 có thể đạt 372-375 tỷ USD.

Được kỳ vọng nhiều nhất có lẽ là 2 nhóm hàng chủ đạo, gồm máy tính - sản phẩm điện tử và điện thoại - linh kiện. Năm 2023, xuất khẩu 2 nhóm hàng này chỉ đạt 109,7 tỷ USD, do đơn hàng ít. Trong đó, mặt hàng điện thoại đạt 52,4 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2022.

Với kim ngạch xuất khẩu 49,92 tỷ USD sau 5 tháng, nếu duy trì được tốc độ như vậy trong 7 tháng còn lại, thì có thể hy vọng kim ngạch xuất khẩu của 2 nhóm hàng này đạt trên 120 tỷ USD trong năm nay.

Giày dép, túi xách và hàng dệt may, xơ sợi dù tăng thấp hơn điện tử, nhưng cũng đang đón nhận tín hiệu tốt hơn. Trong tháng 5/2024, xuất khẩu hàng dệt may đạt 2,7 tỷ USD; giày dép, túi xách đạt 2,234 tỷ USD… Nếu về đích đúng kịch bản trong những tháng còn lại của năm, 2 ngành này sẽ đóng góp khoảng 70 tỷ USD trong năm nay.

Tín hiệu sáng lên của xuất khẩu càng rõ hơn khi nhìn vào sản xuất công nghiệp. Trong tháng 5, sản xuất công nghiệp ước tăng 3,9% so với tháng trước đó và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ và tăng ở 55 địa phương. Trong đó, sản xuất thiết bị điện tăng 24%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,8%...

Báo cáo tháng 4/2024 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay, kinh tế thế giới được dự báo tốt hơn so với dự báo trước, với mức tăng trưởng 3,2%, tăng 0,1% so với dự báo tháng 1/2024. Tuy mức tăng trưởng này vẫn thấp so với trước đại dịch Covid-19, nhưng đã tạo cú hích đáng kể cho các trụ cột tăng trưởng, đặc biệt với kinh tế Việt Nam - vốn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gia tăng tuyển dụng lao động để đáp ứng các đơn hàng mới, cũng như phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất. Đơn cử, Công ty cổ phần Giày Hồng Bảo (Đông Anh) cho biết sẽ tuyển lao động với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty TNHH NewOne VINA (Khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên), chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử cho Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam cần tuyển thêm 2.000 lao động.

Đơn hàng xuất khẩu với nhiều ngành tỷ USD tới vài chục tỷ USD hồi phục rõ, nhưng các yếu tố thách thức vẫn hiện hữu (lạm phát, xung đột địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn…), nên doanh nghiệp vẫn phải thận trọng nhằm sẵn sàng ứng phó trong điều kiện khó khăn của thị trường.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/buc-tranh-xuat-khau-dang-sang-dan-d216434.html