Bùi Quang Thanh và những nẻo đường thơ
Tôi đọc thơ Bùi Quang Thanh nhiều năm nay nhưng chủ yếu là đọc thơ anh viết cho thiếu nhi đăng rải rác trên các báo. Lần này tôi được nhà thơ Bùi Quang Thanh tặng một tập thơ dày gần 400 trang. Đó là tập thơ chọn của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Tập thơ chọn từ 6 tập thơ anh đã xuất bản, dày dặn cho một chặng đường Thơ nửa thế kỷ anh đã đi qua.
Tôi đọc gần tháng nay mới xong tập BÙI QUANG THANH THƠ. Đây là tập thơ có nhiều phần, gồm trường ca; thơ văn xuôi; thơ song ngữ; thơ thiếu nhi...
Bùi Quang Thanh viết về nhiều đề tài, từ “ Huyền thoại núi Hồng” của quê hương xứ Nghệ, đến “ Bên tượng đài anh hùng Phan Đình Giót”; đến “ Trước cây si Buôn Đôn” rồi thánh địa Mỹ Sơn, địa đạo Vĩnh Mốc; Từ biên giới tới đảo xa; từ buon làng đến thành phố…
Là một nhà báo, Bùi Quang Thanh đi nhiều, biết được nhiều nơi, hẳn vậy; Bùi Quang Thanh từng là bộ đội thời chống Mỹ ở chiến trường B3, nên có cả một phần thơ dày dặn: “ Thơ viết những năm đánh Mỹ (1971-1975). Nhiều trải nghiệm trong đời, nhiều thể nghiệm trong thơ, nhưng, mọi nẻo đường thơ lại quay về với cái tôi bản ngã, quay về chính THƠ.
Tôi thích nhất trong tập này bài thơ Nhân Thế:
Hạt tình rồi cũng gió bay
Hạt lộc chia hết-trắng tay: hạt buồn
Này hạt dại! Này hạt khôn
Như cánh chuồn chuồn chao đảo thế nhân
Cứ làm hạt thóc ngày xuân
Mẹ gieo buổi sớm nẩy mầm buổi trưa
Cứ làm cánh mạ đong đưa
Đất ải cha bừa lúa trổ bông thơm
Cứ làm hạt tấm hạt cơm
Hoặc làm cọng rạ nhành rơm dâng đời
Phố phường ngửi bụi mà chơi
Cuối ngày lại ước về nơi quê mùa
(2010)
Nói về thơ xưa nay có nhiều quan niệm khác nhau. Thánh Augustine cho rằng: Thơ là men rượu say của ma quỷ! Samuel Rogers: Thơ là ngôn ngữ của thần thánh... Nữ nhà thơ người Mỹ Louise Gluck vừa nhận giải thưởng Nobel văn chương năm 2020 quan niệm thơ là “Phong cách của tư tưởng...”. Ông cha mình xưa nay vẫn coi thơ như một “Ngôi đền thiêng”. Nhưng, ngày nay, nhiều người ở xứ ta lại cho rằng thơ như “Một quảng trường” ở đó ai cũng có thể ra, vào, ai cũng có thể múa may, nhảy nhót... Riêng tôi, tôi vẫn cho rằng thơ là điệu tâm hồn đến với những tâm hồn đồng điệu như một câu nói của ai đó. Tôi thích hai câi thơ này của nhà thơ Lê Quốc Hán:
Chập chờn đợi phút thăng hoa
Câu thơ nối được hồn ta, hồn người.
Nhà thơ chỉ sáng tạo ra thơ thực sự khi có “Phút thăng hoa”, câu thơ, bài thơ mới “Nối được hồn ta, hồn người”. Nếu nhà thơ chỉ ngồi bày đặt ra những thứ, những chữ cho có vẻ lạ, có vẻ khác người, khác đời thì làm sao rung động được người đọc. Tôi vẫn luôn luôn nghĩ về điều mà tiên sinh Trương Trào viết trong “ U mộng ảnh”, ( bản dịch của Nguyễn Hiến Lê) rằng: “ Tuyệt tác văn chương từ cổ chí kim đều viết bằng huyết lệ”.
Dài dòng như vậy là tôi muốn nói về những câu thơ, những bài thơ mà Bùi Quang Thanh viết về chính những gì mình trải nghiệm sâu sắc, những gì đã đọng lại trong tâm hồn nhà thơ, không thể không viết ra. Là cuộc đời, là tình người, là quê hương máu thịt...đó mới thực sự là những câu thơ tôi thích:
Bên biển xanh chẳng soi nổi bóng mình
Trước gương trong không gọi về tuổi trẻ
Bạc đầu rồi vẫn còn ngơ dại thế
Cũng mình thôi mà chắc đã là mình...
(Tự khúc)
Tôi thiển nghĩ đề tài chỉ là cái cớ để nhà thơ bộc lộ tâm trạng của mình. Đọc đôi dòng về tiểu sử tôi mới biết, nhà thơ Bùi Quang Thanh quê ở Cẩm Tiến, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ngày còn học phổ thông, huyện Kỳ Anh quê tôi chưa có trường cấp ba, tôi phải khăn gói ra học cấp III Cẩm Xuyên. Tôi ở trọ tại nhà một người họ hàng xa ở xã Cẩm Tiến. Ở đó có giếng Vàng nước trong vắt. Cho đến bây giờ tôi vẫn thuộc lòng mấy câu ca dao: “ Nước giếng Vàng vừa trong vừa mát/ Nâu chợ Chùa nhuộm áo lâu phai / Cá Cẩm Nhượng, khoai Mục Bài/ Khuyên ai về huyện Cẩm kẻo một mai tiếc thầm”. Ở một vùng quê như thế nên trong thơ Bùi Quang Thanh luôn đáu đáu về quê hương, dù là viết về đề tài gì, ở đâu. Và những câu thơ về quê hương trong thơ Bùi Quang Thanh sâu nặng, có sức gợi, sức cảm:
...Núm rốn mẹ vùi bên rễ mít
Tan vào mạch đất, níu hồn con
Mẹ giờ nấm có vuông đất hẹp
Hương khói chờ mong đến mỏi mòn...
(Với người tiễn bạn về quê)
Ngay cả khi nhà thơ viết về kinh thành hoa lệ, hồn thơ vẫn đượm mầu quê kiểng:
...Ngột ngạt thị thành giờ cao điểm
Mẹ ngồi thơm thảo chút hồn quê
Mẹt hoa góc phố như thầm gọi
Một thủa Tràng An bỗng ùa về.
(Một thủa Tràng An ).
Người thơ phải sống thế nào, yêu thế nào, gắn bó với bạn bè, quê hương xứ sở thế nào mới có thể viết ra những câu thơ chân thật hết mình:
...Khi mặt trời trườn ra khỏi đê mê
Có hai thằng say quẹo về hai ngả...
(Tiệc rượu ngày sinh nhật)
...Trời xa xanh rộng quá
Và nỗi buồn chơi vơi...
(Chơi vơi)
…Miếng ăn vớt tự đáy sông
Phải lừa tôm tép bằng rong bằng rều
(hoặc)
Lão ngồi má tóp mắt nghe
Nước sông Nhật Lệ chảy theo tháng ngày
(Người cất vó bên sông Nhật Lệ)
...Giật mình, hè qua đông tới
Cái ngày không ai mong đợi
Chập chờn từ phía thu sa ( Sa thu)
Gà trống thuộc mỗi chữ o
Thế mà sáng sáng gáy to nhất làng...
(Học chữ)
Những nẻo đường thơ Bùi Quang Thanh đã đi qua khá phong phú, đa dạng; Nhưng, cuối cùng lại trở về với chính tâm hồn mình, với thơ như bốn câu thơ của nhà thơ Bùi Quang Thanh in ở trang đầu của tập sách :
Mảnh trăng cong- sợi tơ vàng
Treo chung chiêng giữa muôn vàn khen, chê
Ai hờ hửng, ai say mê
Tự ru mình giữa bốn bề đa đoan
(Với thơ)
Nhà vườn Sóc Sơn 12/2020
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bui-quang-thanh-va-nhung-neo-duong-tho-post253981.html