Bùng nổ năng lượng không carbon
Các chuyên gia cho rằng thế giới đã vượt qua 'đỉnh cao năng lượng hóa thạch', nhưng cảnh báo sự phát triển không đồng đều của các dự án năng lượng.
Dữ liệu cho thấy, sản xuất điện hạt nhân có thể sẽ phá kỷ lục vào năm 2025 khi ngày càng có nhiều quốc gia đầu tư vào lò phản ứng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu ít carbon, trong khi năng lượng tái tạo có thể sẽ vượt qua than để trở thành nguồn năng lượng chính vào đầu năm tới.
Theo một báo cáo về tình trạng thị trường điện toàn cầu do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố hôm 25/1, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và châu Âu có thể sẽ có các lò phản ứng mới đi vào hoạt động, trong khi một số lò phản ứng ở Nhật Bản cũng được dự báo sẽ phát điện trở lại và sản lượng điện hạt nhân của Pháp sẽ tăng.
Đặc biệt ở Nhật Bản, nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa, cách Tokyo 250km về phía Bắc, tiến gần hơn đến việc hoạt động trở lại sau khi Cơ quan Quản lý hạt nhân (NRA) của nước này dỡ bỏ lệnh cấm đặt ra 2 năm trước vào ngày 27/12/2023. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới với 7 lò phản ứng và tổng công suất 8.212MW.
Nhu cầu điện cũng được dự đoán sẽ tăng trên toàn thế giới, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc chuyển sang nền kinh tế ít carbon. Xe điện, máy bơm nhiệt, cũng như nhiều quy trình công nghiệp phát thải ít carbon cần điện nhiều hơn là dầu và khí đốt.
Tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng về nguồn cung cấp năng lượng tái tạo có nghĩa là những nhu cầu bổ sung này có thể sẽ được đáp ứng đầy đủ nhờ việc sản xuất từ gió, mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác. Năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng điện trên toàn cầu vào đầu năm tới.
Ông Dave Jones - Giám đốc cơ sở năng lượng Ember cho rằng, những phát hiện này đánh dấu một bước ngoặt tiềm năng. “Đó là khởi đầu cho sự kết thúc của kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch. Cuối cùng, thế giới dường như đã vượt qua thời kỳ đỉnh cao về năng lượng hóa thạch, một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng” - ông Jones nói.
Theo ông Jones, báo cáo của IEA cho thấy, năm 2023 sẽ đánh dấu sự kết thúc của sự phát triển năng lượng hóa thạch. Tính đến năm nay, chúng ta có thể đang ở trong một kỷ nguyên mới về sự suy giảm năng lượng hóa thạch.
Tuy nhiên, ông ông Jones cũng lưu ý, đạt đỉnh thôi là chưa đủ, chúng ta cần cắt giảm CO2 sâu và nhanh chóng để duy trì trong phạm vi ngân sách carbon nhỏ đến mức gần như biến mất của mình. Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng cần phải làm nhanh hơn nữa.
Fatih Birol - Giám đốc Điều hành IEA ca ngợi những diễn biến này là dấu hiệu tích cực cho cuộc chiến chống lại sự suy thoái khí hậu, mặc dù cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
“Ngành điện tạo ra nhiều lượng khí thải carbon dioxide hơn bất kỳ ngành nào trong nền kinh tế thế giới, vì vậy thật đáng khích lệ khi thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo và sự mở rộng ổn định của năng lượng hạt nhân đang dần phù hợp với tất cả sự gia tăng nhu cầu điện toàn cầu trong 3 năm tới” – ông Fatih Birol nói.
Theo đó, sự tiến bộ này phần lớn nhờ vào động lực to lớn của năng lượng tái tạo, với năng lượng mặt trời rẻ hơn bao giờ hết và sự hỗ trợ từ việc quay trở lại quan trọng của năng lượng hạt nhân. Mặc dù cần nhiều tiến bộ và nhanh chóng hơn nhưng đây là những xu hướng rất hứa hẹn.
Phân tích hàng năm của IEA về sự phát triển thị trường và chính sách Điện 2024 cho thấy, nhu cầu điện toàn cầu đã tăng 2,2% vào năm 2023 và có khả năng đạt khoảng 3,4% từ năm 2024 đến năm 2026. Phần lớn mức tăng dự kiến sẽ đến từ các nền kinh tế mới nổi nhanh chóng, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng công suất điện vẫn không đồng đều trên toàn thế giới. Ví dụ, trong khi nguồn cung cấp điện nhìn chung đã tăng lên ở châu Phi, thì việc sử dụng điện bình quân đầu người trên khắp lục địa này vẫn trì trệ trong hơn 3 thập kỷ.
Đây là lực cản đối với sự phát triển kinh tế và xã hội khi người dân nghèo chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm như sinh khối và parafin. Việc thiếu nguồn điện sẵn có cũng khiến trẻ em không thể đi học và gây nguy hiểm cho sức khỏe mỗi khi bệnh viện bị mất điện.
Ông Birol cho rằng, cộng đồng quốc tế cần hợp tác với các chính phủ châu Phi để đạt được tiến bộ khẩn cấp trong việc tiếp cận nguồn điện cần thiết.
Châu Phi có tiềm năng lớn nhất thế giới về sản xuất năng lượng mặt trời và gió cũng như nhiều khoáng chất quan trọng cần thiết cho các bộ phận sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng các nhà sản xuất máy phát điện tương lai sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn dưới dạng chi phí vốn cao cho các dự án năng lượng tái tạo. Nhiều chính phủ đang thúc giục các tổ chức như Ngân hàng Thế giới điều chỉnh các hoạt động của họ để làm cho sự phát triển đó trở nên dễ dàng hơn.
“
Ngày 6/12/2023, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng lò phản ứng thế hệ thứ tư chính thức đi vào hoạt động ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Nhà máy điện hạt nhân này sử dụng lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao do nước này tự chế tạo, nó đã hoàn thành thử nghiệm vận hành liên tục trong 168 giờ, cung cấp nguồn điện sạch và ổn định cho mạng lưới điện quốc gia. Việc vận hành thương mại nhà máy điện hạt nhân này có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự an toàn cũng như năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới trong phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bung-no-nang-luong-khong-carbon-10272305.html