'Bung sức' giải ngân đầu tư công cuối năm, mục tiêu 90-95% là khả thi
Theo nhận định của chuyên gia tài chính công, với nỗ lực tiêu vốn những tháng cuối năm của Chính phủ, mục tiêu giải ngân đầu tư công ở mức 90 - 95% kế hoạch là hoàn toàn khả thi.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4 chiều ngày 15/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu của Quốc hội về tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Đây được coi là thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội trong bối cảnh những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Giải ngân 10 tháng 2022 khá thấp
Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính báo cáo, ước đến cuối tháng 10/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 297.700 tỷ đồng, bằng 46,44% kế hoạch, đạt 51,34% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, hơn 290.800 tỷ đồng là vốn trong nước, bằng 47,94% kế hoạch và đạt 53,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 6.960 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 20,14% kế hoạch.
Như vậy, nếu xét về tỷ lệ, giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng qua tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xét về con số tuyệt đối, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã cao hơn so với 10 tháng năm ngoái hơn 40.000 tỷ đồng.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, trong tháng 10/2022, tổng vốn kế hoạch đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã được bổ sung hơn 38.000 tỷ đồng cho các chương trình, dự án của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Số vốn này mới được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 12/10, chưa giải ngân được, nên kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn được giao.
Thêm ngân khoản mới, tổng vốn đầu tư của năm nay đã lên tới hơn 580.000 tỷ đồng. Như vậy, áp lực tăng tốc giải ngân trong 3 tháng tới là rất lớn khi vẫn còn gần 300.000 tỷ đồng nữa cần được đưa vào nền kinh tế. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu tỏ ra "sốt ruột" đề nghị Chính phủ làm rõ vì sao 10 tháng, giải ngân mới đạt 50%, nhưng dự kiến cả năm đạt hơn 90%, tức là 3 tháng giải ngân gần bằng 10 tháng.
Nỗ lực 'tiêu' vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Trên thực tế, vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra ngay từ những ngày đầu năm và liên tục chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Từ đầu năm đến nay có 12 nghị quyết được ban hành, trong đó có 3 Nghị quyết chuyên đề, 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Chính phủ cũng thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân.
Trao đổi với Mekong ASEAN, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính) nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn công những tháng đầu năm chậm. Trong đó, nổi bật là giá vật liệu xây dựng tăng cao, tác động của dịch Covid-19 khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc làm chậm triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, yếu tố khách quan là Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua hồi tháng 7/2021, nên hầu hết các tháng đầu năm nay phải hoàn thành thủ tục đối với dự án khởi công mới, chưa tiến hành thi công.
Theo ông Cường phải, thẳng thắn nhìn nhận việc chuẩn bị dự án, thẩm định, tư vấn mất nhiều thời gian, chất lượng lập dự án chưa tốt dẫn đến khi triển khai phải điều chỉnh, mất thời gian làm thủ tục.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính
Lạc quan về khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm nay khi đầu năm thong thả, cuối năm vội vàng đã là câu chuyện muôn thuở của đầu tư công. Song, theo ông Cường, giải ngân dồn dập những tháng cuối năm sẽ dẫn đến tình trạng "no dồn đói góp".
Trong khi nếu dàn đều việc phân bổ vốn từ đầu đến cuối năm có thể làm giảm bớt sức ép về thị trường vốn, tạo hiệu ứng lan tỏa khi toàn nền kinh tế được kích cầu, từ đó dòng tiền chuyển động mạnh, kích thích kinh tế phục hồi và tăng trưởng, vị chuyên gia này nhìn nhận.
Áp lực giải ngân lớn, chuẩn bị từ bây giờ
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Theo đó, sẽ có 726.700 tỷ đồng được dành cho đầu tư phát triển, tăng 38,1% so với dự toán năm 2022, chiếm 35% tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2023.
Việc một ngân khoản lớn được dành cho đầu tư phát triển sẽ đặt áp lực không nhỏ cho vấn đề triển khai thực hiện, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn được coi là một điểm nghẽn của nền kinh tế.
Trong khi đó, với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình khi đủ điều kiện theo quy định, đề nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023.
Sau thời điểm trên, số vốn chưa phân bổ của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn chuyển vào dự phòng của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, số vốn còn lại của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội không thực hiện phân bổ tiếp, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.
Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để không bỏ phí nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế và giải ngân đầu tư công đúng đích, tiêu tiền thuế của dân cho hiệu quả trên từng đồng vốn?
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, tiền tiêu sao cho hiệu quả sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khâu lập kế hoạch và tổ chức thực hiện. Khối lượng công việc lớn thì phải có kế hoạch từ bây giờ. Công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải làm tốt thì giải ngân mới xuôi.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, việc kế hoạch đầu tư công năm 2023 cao hơn năm 2022 tới 100.000 tỷ đồng đặt ra áp lực giải ngân rất lớn. "Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023, chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.