Bước chân ra khỏi 'CLB cường quốc tàu sân bay', Nga được gì và mất gì?
Nga đang cân nhắc loại biên tàu sân bay duy nhất Đô đốc Kuznetsov sau khi gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo dưỡng và hiện đại hóa. Nếu loại biên, Moscow tiết kiệm được nguồn lực đáng kể, tuy nhiên họ cũng mất đi một phần sức mạnh hải quân.
Tờ Izvestia của Nga cuối tuần trước dẫn các nguồn thạo tin cho biết, giới chức nước này đã đình chỉ hoạt động bảo dưỡng và hiện đại hóa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
"Hải quân Nga và Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất (USC), đơn vị được giao nhiệm vụ sửa chữa, sẽ sớm ra quyết định về tương lai của Đô đốc Kuznetsov. Bộ Quốc phòng Nga có thể từ chối tiếp tục sửa chữa. Giới chuyên gia không loại trừ khả năng tàu sân bay này sẽ bị loại biên và đưa đi tháo dỡ", tờ báo Nga cho hay.
Số phận của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vẫn là đề tài gây nhiều tranh luận trong nội bộ hải quân Nga.
Sergei Avakyants, cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Nga, ủng hộ phương án dừng chương trình bảo dưỡng và hiện đại hóa Đô đốc Kuznetsov, cho rằng đây sẽ là "bước đi hoàn toàn đúng đắn".
"Đô đốc Kuznetsov thuộc về thời đại khác và là vũ khí hải quân đắt đỏ, kém hiệu quả. Tương lai nằm ở robot và thiết bị không người lái", ông nói.
Trong khi đó, chuẩn đô đốc về hưu Mikhail Chekmasov lưu ý nhiều tài liệu chiến lược của hải quân Nga vẫn cho rằng Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Phương Bắc cần có nhóm tác chiến tàu sân bay.
"Trở ngại lớn nhất là vấn đề tài chính, đặc biệt trong lúc chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vẫn tiếp diễn. Chiến thắng ở mặt trận là ưu tiên trước mắt, sau đó các kế hoạch đóng tàu trong tương lai sẽ trở nên rõ ràng hơn", ông cho hay.
Chuyên gia quân sự Nga Vasily Dandykin cho rằng các nhiệm vụ triển khai lực lượng tầm xa vẫn cần yểm trợ từ trên không, cụ thể là tiêm kích hạm trên tàu sân bay, khẳng định các hệ thống không người lái không thể đáp ứng vai trò này.
"Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đều mở rộng hạm đội tàu sân bay, cho thấy khí tài này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược hải quân", ông nói.
Vì thế, nếu loại biên tàu sân bay duy nhất, Nga đã chính thức bước chân ra khỏi câu lạc bộ các cường quốc sở hữu tàu sân bay.
Việc loại biên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sẽ giúp Nga tiết kiệm nguồn lực lớn về con người, thời gian và tiền bạc vốn đang đổ ra dành cho con tàu này.
Đô đốc Kuznetsov vào cảng để bảo dưỡng và hiện đại hóa từ năm 2017, sau khi làm nhiệm vụ trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria.
Theo kế hoạch ban đầu, quá trình bảo dưỡng và hiện đại hóa Đô đốc Kuznetsov dự kiến hoàn thành vào năm 2021, với chi phí sơ bộ là 20 tỷ ruble (257 triệu USD), tuy nhiên tới nay con tàu vẫn chưa thể hoạt động, và số tiền dành cho nó đang ngày một tăng cao.
Hiện toàn bộ thủy thủ đoàn của con tàu đã bị giải tán, việc xây dựng lại thủy thủ đoàn cho tàu sân bay luôn là thách thức lớn.
Tuy vậy nếu thực sự mất đi tàu sân bay, Nga cũng đã mất đi sức mạnh đáng kể trên đại dương.
Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất trong biên chế hải quân Nga, được chế tạo và đưa vào biên chế từ thời Liên Xô.
Nga gọi đây là tuần dương hạm hạng nặng mang được máy bay, nhưng nó thường được coi là tàu sân bay hoàn chỉnh.
Tàu sân bay này được đặt theo tên Đô đốc Hải quân nổi tiếng của Liên Xô là Nikolay Gerasimovich Kuznetsov.
Tàu được đóng tại xưởng đóng tàu Nam Nikolayev trên bờ Biển Đen thuộc Ukraina từ năm 1985 nhưng phải đến năm 1995 mới chính thức đi vào hoạt động.
Tàu Đô đốc Kuznetsov là tuần dương hạm tên lửa hạng nặng mang máy bay (TAVKR) thuộc Đồ án 1143.5 Kreml - đồ án được mệnh danh “Tên đồ tể mang máy bay” vì trang bị vũ khí hạng nặng của lớp tàu này
Con tàu này có lượng giãn nước tiêu chuẩn 43.000 tấn, lớn nhất là 61.390 tấn, chiều dài 305 m, bề ngang 72 m, mớn nước 10 m.
Tàu mang theo thủy thủ đoàn 1.690 người bao gồm thủy thủ và phi công. Để cơ động, tàu được trang bị 8 động cơ nồi hơi và 4 động cơ turbin khí có tổng công suất khoảng 280.000 mã lực.
Với hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ tối đa tới 30 hải lý/giờ và tầm hoạt động đạt 15.700 km với tốc độ hành trình 18 hải lý/giờ.
Sân bay trên tàu thiết kế với boong phóng kiểu nhảy cầu, không cần máy phóng thủy lực.
Khu vực boong tàu có diện tích 14.700 m2, được trang bị hai thang máy đẩy giúp nâng máy bay từ khoang chứa máy bay lên boong tàu.
Tàu sân bay Kuznetsov không sử dụng hệ thống máy phóng máy bay như các tàu phương Tây mà hoạt động dựa trên một đường dốc có góc nghiêng 12 độ ở phía cuối boong tàu để tạo đà cho máy bay cất cánh.
Hàng không mẫu hạm này có thể chở tổng cộng 41-52 chiếc máy bay gồm: Tối đa 14 tiêm kích hạm Su-33; 4 chiếc máy bay huấn luyện phản lực Sukhoi Su-25UTG/UBP; 24 trực thăng phục vụ cho nhiệm vụ săn ngầm, tìm kiếm cứu nạn bao gồm: 4 trực thăng Ka-27LD32, 18 trực thăng Ka-27PLO và 2 trực thăng Ka-27S.
Sau đó Nga biên chế tiêm kích hạm mới MiG-29K song song với Su-33, dự kiến trong tương lại loại tiêm kích hạm mới sẽ thay thế hoàn toàn Su-33.
Không như các tàu sân bay khác của phương Tây vốn luôn cần một đội tàu hộ tống, tàu Đô đốc Kuznetsov được thiết kế để có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác.
Có được điều này là do chúng được trang bị hệ thống vũ khí riêng đồ sộ, xứng đáng là một tuần dương hạm mang tên lửa hạng nặng.
Đô đốc Kuznetsov được vũ trang 12 ống phóng thẳng đứng VLS sử dụng tên lửa chống hạm P-700 Granit tầm bắn 625 km.
Ngoài tên lửa chống tàu, Đô đốc Kuznetsov còn trang bị hỏa lực phòng không dày đặc gồm: 8 bệ pháo phòng không bắn nhanh AK-630; 8 bệ pháo – tên lửa phòng không Kashtan, 18 tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal.
Đặc biệt, Kuznetsov còn có khả năng chống tàu ngầm với bệ phóng rocket săn tàu ngầm RBU-12000 UDAV-1.
Với hệ thống vũ khí trên, nó có thể độc lập tác chiến chống lại các loại tàu khác thay vì cần một đội tàu hộ tống.
Để cảnh giới trên không, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov sử dụng radar băng tần D/E, radar tìm kiếm mục tiêu bề mặt băng tần F, chỉ huy bay băng tần G/H, dẫn đường băng tần I và dẫn bắn cho các tổ hợp vũ khí phòng không tầm cực ngắn (CIWS) là 4 radar băng tần K.
Ngoài ra, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov còn được trang bị trang bị sonar thủy âm gắn cố định trên thân và thiết bị tìm kiếm hạ âm để phát hiện và tấn công các mục tiêu dưới nước.
Khi thực chiến lần đầu tiên vào năm 2016, nhiều nhược điểm bộc lộ rõ của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov khi tham gia hoạt động quân sự tại Syria.
Do các vấn đề với trang thiết bị, hạm đội đã mất 2 tiêm kích trong tình huống chưa bị đối phương giáng trả, sau đó quá trình hiện đại hóa diễn ra.
Hệ thống điện tử và động lực của tàu hoạt động không như mong đợi, con tàu khổng lồ này không thể ra khơi mà không có tàu cứu kéo đi cùng.
Cuối cùng Nga đã phải đưa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov về bến cảng để đại tu.