Biển Đen: 'Sinh mệnh' của Ukraine giữa vòng xoáy chiến sự

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Biển Đen đang định hình lại toàn bộ cục diện kinh tế – quân sự của Ukraine giữa vòng xoáy chiến sự khốc liệt.

Tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Ukraine trên Biển Đen, ngày 7/2/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Ukraine trên Biển Đen, ngày 7/2/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Bình luận trên trang web của Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM) mới đây, các chuyên gia Maria Piechowska và Anna Maria Dyner cho rằng đối với Ukraine, Biển Đen không chỉ là một tuyến đường thủy mà còn là huyết mạch kinh tế và an ninh chiến lược. Việc giành lại và duy trì quyền kiểm soát trên vùng biển này là một trong những thành tựu quân sự quan trọng nhất của Kiev kể từ khi cuộc xung đột với Nga bùng nổ. Tuy nhiên, Nga vẫn đang nỗ lực giành lại ưu thế, đặt ra những thách thức lớn với Ukraine.

Tầm quan trọng với kinh tế Ukraine

Biển Đen đóng vai trò tối quan trọng trong việc kết nối Ukraine với các thị trường quốc tế. Nó cung cấp khả năng tiếp cận nhanh chóng và tiết kiệm chi phí đến châu Âu, Trung Đông, châu Phi, và thậm chí cả châu Á thông qua kênh đào Suez. Trước cuộc xung đột, các cảng biển đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Ukraine.

Tuy nhiên, cuộc xung đột đã làm thay đổi đáng kể cục diện này. Hiện tại, chỉ có ba cảng ở bờ biển phía Tây Bắc của Ukraine – Odessa, Chornomorsk và Pivdenne – vẫn đang hoạt động. Nhiều cảng khác đã bị đóng cửa do hoạt động quân sự (như Mykolaiv, vốn chiếm 25-30% kim ngạch xuất khẩu trước đây) hoặc nằm dưới sự kiểm soát của Nga (như Mariupol trên Biển Azov). Cùng với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng biển và giá bảo hiểm vận tải biển tăng vọt, cơ hội xuất khẩu hàng hải của Ukraine đã bị hạn chế nghiêm trọng.

Việc phong tỏa cảng biển sau cuộc xung đột không chỉ là vấn đề quân sự mà còn làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế Ukraine. Mặc dù một số mặt hàng xuất khẩu đã được chuyển hướng bằng đường bộ (và một phần qua các cảng sông Danube), vận tải đường bộ và đường sắt không thể thay thế hoàn toàn vận tải đường biển do khả năng tải trọng và cơ sở hạ tầng biên giới hạn chế.

Sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2023, Ukraine đã tự mình phá vỡ lệnh phong tỏa và khôi phục hành lang vận tải, một phần qua vùng lãnh hải của Romania và Bulgaria. Nhờ đó, tuyến đường biển đã hoạt động trở lại gần như toàn bộ công suất. Kết quả là, vào năm 2024, tỷ trọng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ukraine (tương đương 20,8 tỷ USD). Dù vậy, con số này vẫn chưa thể trở lại mức trước xung đột, khi vận tải biển chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu (42 tỷ USD vào năm 2021).

An ninh Biển Đen và nỗ lực của Ukraine

Khi cuộc xung đột toàn diện bùng nổ, Nga có lợi thế hải quân áp đảo ở Biển Đen và Biển Azov. Trong khi Hạm đội Biển Đen của Nga hùng mạnh, Hải quân Ukraine chủ yếu bao gồm các tàu từ thời Liên Xô và một số ít tàu tuần tra cũ của Mỹ. Thậm chí, việc sáp nhập Crimea năm 2014 còn khiến Ukraine mất đi một phần đáng kể lực lượng hải quân. Lợi thế này đã cho phép Nga phong tỏa các cảng Ukraine và tấn công lãnh thổ bằng tên lửa phóng từ biển, gây lo ngại về một cuộc đổ bộ đường biển.

Tuy nhiên, Ukraine đã làm suy giảm lợi thế này bằng cách sử dụng hiệu quả thiết bị bay không người lái (UAV) như Magura và tên lửa. Các cuộc tấn công thành công vào các tàu chiến Nga, bao gồm cả việc đánh chìm tuần dương hạm Moskva mang tính biểu tượng, cùng với các cuộc tấn công vào cảng Sevastopol và Berdyansk do Nga kiểm soát, đã khiến Nga thiệt hại 28 tàu (21 chiếc không thể phục hồi) và buộc Hạm đội Biển Đen phải di dời đến cảng Novorossiysk, nằm ngoài tầm với của UAV Ukraine.

Những hành động phòng thủ hiệu quả này đã đẩy hoạt động hải quân của Nga vào vai trò thứ yếu, làm giảm, dù không loại bỏ hoàn toàn, khả năng tấn công của Nga vào các mục tiêu sâu bên trong Ukraine. Các hoạt động quân sự của Ukraine không chỉ khôi phục hoạt động thương mại Biển Đen mà còn giảm nguy cơ Nga đổ bộ vào miền Nam Ukraine (tỉnh Odessa).

Bên cạnh đó, những vấn đề về giao thông trên Biển Đen đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi đường sắt của Ukraine, với sự tham gia của Ủy ban châu Âu. Việc mở rộng mạng lưới đường sắt khổ tiêu chuẩn tại Ukraine sẽ tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và quân sự của nước này, và trong tương lai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các hành lang vận tải Baltic-Biển Đen.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bien-den-sinh-menh-cua-ukraine-giua-vong-xoay-chien-su-20250715190838561.htm