Chuyên gia Australia nhận định về hậu quả trong cách tiếp cận của Washington với Canberra
Theo chuyên gia Andrew O'Neil, những toan tính gây áp lực của Mỹ có nguy cơ làm tổn hại liên minh với Canberra mà Washington đang nỗ lực củng cố.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu tại Sydney ngày 3/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN.
Báo The Guardian mới đây đưa tin, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Pat Conroy tuyên bố Australia sẽ từ chối bất kỳ yêu cầu nào từ phía Mỹ về việc tham gia vào một cuộc xung đột “giả định” với Trung Quốc liên quan đến Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi quyết định liên quan đến chiến tranh hiện này đều thuộc thẩm quyền của chính phủ Australia đương nhiệm.
Thủ tướng Anthony Albanese cũng tuyên bố từ chối đưa ra cam kết trước về một cuộc xung đột chưa xảy ra, khẳng định Australia mong muốn duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng Canberra ủng hộ hiện trạng tại eo biển Đài Loan, phản đối mọi hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng và khẳng định mục tiêu là duy trì ổn định khu vực.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thời gian vừa qua xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Lầu Năm Góc đang tìm kiếm sự đảm bảo từ Australia và các đồng minh về cách họ sẽ phản ứng nếu xảy ra xung đột tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trang The Interpreter thuộc Viện nghiên cứu Lowy (Australia) ngày 14/7 đăng tải bài viết của tác giả Andrew O’Neil, nhận định rằng những toan tính gây áp lực của Mỹ có nguy cơ làm tổn hại liên minh với Canberra mà Washington đang nỗ lực củng cố.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép lên các đồng minh không còn là điều mới lạ, đặc biệt trong vấn đề chia sẻ gánh nặng quốc phòng. Trước đây, ông Trump đã nhiều lần thúc ép các quốc gia NATO tăng chi tiêu quân sự để “đóng góp công bằng” cho an ninh khu vực. Một số ý kiến cho rằng chiến lược này đã phát huy hiệu quả, khi nhiều quốc gia châu Âu cam kết nâng ngân sách quốc phòng. Và giờ đây, đến lượt các đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Australia, đang phải chịu áp lực ngày càng rõ rệt từ Washington.
Theo tờ Financial Times, ông Elbridge Colby, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã âm thầm thúc giục Australia cam kết sử dụng tàu ngầm trong khuôn khổ thỏa thuận AUKUS để hỗ trợ Washington nếu kịch bản xung đột tại eo biển Đài Loan xảy ra trong tương lai. Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp phía Australia trong khuôn khổ Đối thoại Shangri La vào ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã công khai đề nghị Canberra cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 3,5% GDP.
Nhận định về vấn đề này, ông O’Neil cho rằng, bất kể liên minh với Washington có tầm quan trọng đến đâu, việc Australia sử dụng năng lực quân sự của mình ra sao (bao gồm cả các tàu ngầm trong khuôn khổ AUKUS) vẫn là quyết định thuộc về các chính phủ tương lai. Ông nhấn mạnh rằng việc một chính phủ đương nhiệm tìm cách ràng buộc người kế nhiệm phải cam kết tham gia vào một cuộc chiến chưa chắc xảy ra là điều hoàn toàn vô lý.
Ông cũng cho rằng, nguyên tắc cơ bản trong việc duy trì liên minh hiệu quả là không nên đẩy các nhà lãnh đạo đồng minh vào thế khó và việc công khai gây áp lực đối với một đồng minh vốn đã thể hiện mức độ cam kết cao như Australia là một bước đi thiếu khôn ngoan về mặt chính trị.
Cách tiếp cận của Washington không chỉ có nguy cơ phản tác dụng mà còn tạo thêm áp lực chính trị nội bộ Australia. Trước những lo ngại về tương lai của AUKUS và nhu cầu cân bằng quan hệ với Trung Quốc để đảm bảo lợi ích kinh tế, Chính phủ Thủ tướng Albanese buộc phải thận trọng hơn để tránh gặp phải những phản ứng gay gắt từ dư luận trong nước.