Anh chính thức xác nhận việc để lộ thông tin của hơn 18.000 người Afghanistan xin tị nạn
Chính phủ Anh vừa xác nhận một vụ rò rỉ dữ liệu nghiêm trọng liên quan đến hơn 18.000 công dân Afghanistan từng nộp hồ sơ xin tái định cư tại Vương quốc Anh, sau khi lệnh cấm công bố thông tin của tòa án được gỡ bỏ sau gần hai năm giữ kín.

Người tị nạn Afghanistan tập trung tại khu vực biên giới. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 15/7, sự việc xảy ra từ tháng 2/2022 khi một quan chức Bộ Quốc phòng Anh vô tình để lộ tên và thông tin liên lạc của 18.714 người Afghanistan trong quá trình xác minh hồ sơ theo Chương trình Tái định cư và Hỗ trợ Afghanistan (ARAP). Đây là chương trình được Anh triển khai từ tháng 8/2021 sau khi Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan cùng thời điểm Mỹ rút quân.
Đến tháng 8/2023, chính phủ khi đó mới phát hiện vụ rò rỉ, sau khi thông tin của một số cá nhân bị phát tán trực tuyến. Lo ngại nguy cơ dữ liệu có thể bị khai thác, chính phủ đương nhiệm đã xin lệnh cấm tiết lộ từ Tòa án Tối cao. Tháng 9/2023, Tòa án đã ban hành một “lệnh cấm đặc biệt”, không chỉ ngăn việc công bố thông tin mà còn giữ kín cả sự tồn tại của lệnh này. Đồng thời, một tuyến xử lý riêng biệt được thiết lập từ tháng 4/2024 để hỗ trợ những trường hợp liên quan. Tuyến này đã tiếp nhận khoảng 4.500 hồ sơ, với chi phí ước tính khoảng 400 triệu bảng Anh (khoảng 520 triệu USD).
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey đã báo cáo trước Hạ viện về vụ việc và cho biết tuyến hỗ trợ riêng sẽ được đóng lại sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ. Ông Healey thừa nhận đây là một tình huống “chưa từng có tiền lệ” và chính phủ đã gặp khó khăn khi không thể thông tin sớm cho Quốc hội, do lo ngại việc công bố có thể làm gia tăng rủi ro đối với những người có tên trong danh sách.
Thẩm phán Martin Chamberlain, người ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm, cho rằng các quyết định có ảnh hưởng tới tính mạng và an toàn của hàng nghìn người, cũng như liên quan tới ngân sách công lớn, cần được xem xét công khai để bảo đảm minh bạch. Ông cũng bày tỏ quan điểm rằng lệnh cấm đặc biệt trước đó đã làm dấy lên những lo ngại nhất định về quyền tự do thông tin và giám sát công khai.
Một báo cáo độc lập do ông Paul Rimmer, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Anh, thực hiện cho thấy không có nhiều dấu hiệu cho thấy Taliban đã sử dụng dữ liệu rò rỉ để tiến hành trả đũa. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Taliban đã tiếp cận được dữ liệu lưu trữ từ chính quyền Afghanistan trước đó, đủ để xác định nhiều cá nhân.
Về phía đảng Bảo thủ, người phát ngôn phụ trách quốc phòng, ông James Cartlidge, đã thay mặt chính phủ Anh bày tỏ lời xin lỗi và khẳng định đây là sự cố “không bao giờ được phép xảy ra”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng quyết định giữ kín thông tin ban đầu nhằm ưu tiên bảo đảm an toàn cho những người liên quan trong danh sách.
Giới quan sát nhận định sự việc này tiếp tục làm dấy lên tranh luận tại Anh về cách xử lý các hồ sơ tị nạn của những người Afghanistan từng làm việc cho quân đội hay cơ quan chính phủ phương Tây. Trong bối cảnh tình hình bất ổn ở Afghanistan vẫn kéo dài, nhiều người cho rằng việc để lộ thông tin nhạy cảm sẽ còn tiềm ẩn những rủi ro lâu dài cho các gia đình đã rời quê hương để tìm kiếm nơi cư trú an toàn hơn.