Bước chuyển Chiềng Ân

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi trở lại Chiềng Ân - xã vùng cao của huyện Mường La, cách trung tâm huyện hơn 40 km. Trước đây, lên Chiềng Ân phải đi trên tuyến đường cấp phối, nên mất hơn 3 giờ đồng hồ, nay giảm chỉ còn nửa thời gian, bởi tuyến đường đã được đổ bê tông.

Nhân dân bản Ta Pù Chử, xã Chiềng Ân (Mường La) thu hoạch thảo quả.

Nhân dân bản Ta Pù Chử, xã Chiềng Ân (Mường La) thu hoạch thảo quả.

Chiềng Ân có 7 bản, hơn 500 hộ dân, gồm 2 dân tộc Mông và La Ha cùng chung sống. Ông Sùng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ân, chia sẻ: Những năm qua, xã đã bám sát định hướng của huyện, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; khai hoang ruộng bậc thang, trồng cây thảo quả dưới tán rừng, trồng mận hậu, sơn tra và trồng rừng; chăn nuôi gia súc nhốt chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Năm 2020, các tổ chức đoàn thể xã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 4,7 tỷ đồng, cho trên 250 hộ nghèo, cận nghèo vay phát triển kinh tế; Chương trình 30a, 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ 42 con bò giống sinh sản, giống cây ăn quả trồng 26,1 ha, trên 540 kg giống ngô... Một số mô hình kinh tế cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng/năm.

Nhân dân Chiềng Ân hiện canh tác 95 ha lúa ruộng bậc thang, 130 ha lúa nương, sản lượng đạt gần 1.000 tấn thóc/năm; hơn 135 ha ngô, sắn, sản lượng hơn 850 tấn/năm. Từ năm 2017 đến nay, xã vận động bà con chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng 133 ha cây sơn tra, mận hậu, thảo quả... Trong đó, hơn 25 ha thảo quả, 5 ha sơn tra đã cho thu hoạch. Duy trì chăn nuôi trên 2.400 con gia súc, hơn 3.400 con gia cầm. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn đầu tư Nhà nước, nhân dân đã đóng góp công đổ bê tông 1.000 m đường nội bản, liên bản; xây dựng 2 sân bóng đá rộng 722m².

Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Giàng A Pánh, bản Ta Pù Chử. Anh Pánh kể: Tôi đã mua 20 kg hạt giống thảo quả từ huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) về trồng gần 2 ha dưới tán rừng. Cây thảo quả phát triển tốt và bắt đầu được thu hoạch. Riêng vụ năm 2020, thu được trên 1 tấn quả khô, bán với giá hơn 100 nghìn đồng/kg, thu hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi 3 con trâu, bò; hơn 50 con gia cầm/lứa, mỗi năm thu nhập thêm 30 triệu đồng.

Về bản Sạ Súng, Chiềng Ân, nhiều gia đình trong bản trồng cỏ voi, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng, nhiều hộ có từ 5 -10 con bò, trâu sinh sản, có nhà duy trì chăn nuôi 14 con trâu, bò. Anh Tráng A Sệnh, bản Sạ Súng, chia sẻ: Gia đình tôi vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư chăn nuôi trâu bò sinh sản và trồng 2,3 ha ngô lai, sắn cao sản. Hiện, gia đình tôi duy trì nuôi từ 10 - 14 con trâu, bò; hơn 100 con gia cầm/lứa, mỗi năm thu nhập gần 150 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt.

Thời gian tới, Chiềng Ân tiếp tục tận dụng lợi thế đất đai, mở rộng diện tích trồng cây thảo quả, trồng lúa nước, cây ăn quả, trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng và chú trọng liên kết với các doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, dược liệu, đảm bảo thu nhập ổn định, bền vững cho người dân...

Trường Sơn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/buoc-chuyen-chieng-an-44194