Bước chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế Thủ đô Hà Nội sau 70 năm
Sau 70 năm giải phóng và chuyển mình, Thủ đô Hà Nội đã và đang là đầu tàu kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Ngày 25/9, Tọa đàm trực tuyến “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững” đã được diễn ra tại Báo Kinh tế và Đô thị nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) cũng như đưa ra các ý kiến thúc đẩy kinh tế của Thủ đô với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị - cho biết, nhìn lại quá trình phát triển của kinh tế Hà Nội trong 70 năm qua, chúng ta không thể không tự hào về những thành tựu đã đạt được. Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những bước tiến vững chắc. Chính nhờ những chủ trương, quyết sách đúng đắn từ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, cùng với sự đồng hành của người dân, kinh tế Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho đến dịch vụ và du lịch. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững, rất cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và thiết thực.
Theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD, đến năm 2045, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng đánh giá Nghị quyết số 15 là cơ sở để hoàn chỉnh hệ thống Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Đặc biệt, hiện nay, Hà Nội đang triển khai Luật Thủ đô 2024, để phát triển Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Qua góc nhìn của các chuyên gia, Hà Nội cần tận dụng Luật Thủ đô thế nào để thực hiện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và kỳ vọng sẽ có sự thay đổi gì trong phát triển kinh tế và xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,0%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ). Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tuy nhiên, song hành với sự chuyển mình trong thời đại mới, Hà Nội vẫn đối diện một số khó khăn, bất lợi và tồn tại, có thể gây cản trở quá trình tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ngày càng gay gắt. Đó là tốc độ tăng trưởng GRDP thấp hơn mức bình quân của cả nước; kết quả giải ngân vốn đầu tư công thấp; tiến độ triển khai một số dự án, công trình chưa đạt yêu cầu do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư...
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2024, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.