Vốn cho công nghệ xanh thiếu hụt, chuyển tiếp sang năng lượng sạch gặp khó
Quá trình chuyển tiếp sang năng lượng sạch trên toàn cầu đang gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn tài trợ cho công nghệ xanh. Nhiều công ty khởi nghiệp (startup) chạy đua phát triển công nghệ giúp giảm lượng khí thải carbon nhưng chật vật tìm vốn trong bối cảnh lãi suất cao.
Lãi suất cao hạn chế dòng vốn chảy vào công nghệ xanh
Kết quả quả Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) hồi tháng 12 năm ngoái ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA) hứa hẹn mang lại động lực lớn cho các công ty năng lượng sạch trên thế giới và các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã nhất trí theo đuổi mục tiêu tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng vào năm 2030.
Việc đáp ứng các mục tiêu này được kỳ vọng tạo ra tăng trưởng đột biến đối với những công ty đang phát triển và triển khai công nghệ nhằm giảm lượng khí thải nhà kính từ hệ thống năng lượng toàn cầu.
Thế nhưng, hiện thực cho thấy một bức tranh kém tươi sáng hơn. Chứng chỉ của quỹ hoán đổi danh mục iShares Global Clean Energy, nắm giữ nhiều cổ phiếu công nghệ khí hậu, giảm giá 6,5% trong 12 tháng tính đến ngày 4-11, so với mức tăng 26% của chỉ số FTSE World Index (theo dõi cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn tiêu biểu của các thị trường phát triển và mới nổi)
Trên thị trường chưa niêm yết, những con số cũng gây thất vọng. Phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Sightline Climate cho thấy, các startup công nghệ khí hậu huy động tổng cộng 11,3 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2024, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một phần của vấn đề là do các yếu tố kinh tế vĩ mô. Lĩnh vực công nghệ khí hậu bắt đầu xuất hiện vào thập niên thứ hai của thế kỷ này, thời kỳ mà lãi suất cực kỳ thấp theo các tiêu chuẩn lịch sử.
Tuy nhiên, khi các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022 để kiềm chế lạm phát, chi phí trả nợ của các nhà phát triển năng lượng tái tạo tăng vọt. Đó là một cú sốc lớn đối với mô hình kinh doanh dựa vào vay nợ của họ.
“Đây là lần đầu tiên đầu tư vào năng lượng tái tạo quy mô lớn đối mặt với làn sóng tăng lãi suất”, Matthew Ridley, đồng giám đốc của Greencoat UK Wind, quỹ đầu tư năng lượng xanh ở Anh nói,
Lãi suất bắt đầu giảm trên toàn cầu nhưng các ngân hàng trung ương dự kiện không hạ chi phí vay nhanh chóng để đề phòng lạm phát tái trỗi dậy.
Chủ nghĩa bảo hộ xanh làm tăng chi phí phát triển công nghệ khí hậu
Nhìn chung, lãi suất cao hơn là một yếu tố chính kìm hãm hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm đổ vào lĩnh vực năng lượng tạo. Tuy nhiên, các dự án công nghệ khí hậu cũng phải cạnh tranh với cơn bùng nổ huy động vốn của startup về trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo nhà cung cấp dữ liệu Crunchbase, trong 8 tháng đầu năm nay, 35% tổng số tiền đầu tư vào các startup ở Mỹ là dành cho các công ty AI.
Sightline Climate cho biết, nguồn vốn mạo hiểm ở Mỹ tài trợ cho công nghệ xanh càng bị hạn chế hơn do những lo ngại thay đổi chính sách nếu ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, người từ lâu hoài nghi biến đổi khí hậu đắc cử.
Với chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 5-11, ông Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025, dự kiến theo đuổi lập trường ít ủng hộ năng lượng sạch hơn so với chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn duy trì quan điểm lạc quan, phần lớn nhờ vào Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Biden ký ban hành năm 2022. Đạo luật này cung cấp các khoản tín dụng thuế ước tính lên đến 369 tỉ đô la Mỹ cho các dự án đầu tư vào năng lượng sạch.
Theo Carmichael Roberts, người đồng lãnh đạo ủy ban đầu tư của Breakthrough Energy Ventures, một trong quỹ đầu tư mạo hiểm xanh lớn nhất thế giới do tỉ phú Bill Gates thành lập, IRA đã tạo ra tác động khổng lồ, tạo tín hiệu tích cực trong dài hạn cho giới doanh nhân và nhà đầu tư năng lượng xanh.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ xanh tạo thêm một trở ngại khác. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp mức thuế cao đối với hàng công nghệ sạch nhập khẩu từ Trung Quốc vì lo ngại về các khoản trợ cấp không công bằng từ Bắc Kinh cũng như sự thống trị của nước này đối với cung ứng năng lượng xanh.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo, những khoản thuế này sẽ đẩy chi phí phát triển công nghệ carbon thấp ở Mỹ và EU lên cao, làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn thế giới.
Đầu tư năng lượng sạch chưa đủ đạt mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán, đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn thế giới trong năm tăng khoảng 6%, lên 2 nghìn tỉ đô la Mỹ. Con số này cao gấp đôi so với mức đầu tư dự kiến đổ vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch trong năm 2024.
Thế nhưng, tỷ lệ đầu tư 2:1 giữa năng lượng sạch và nhiên liệu hóa thạch vẫn còn kém xa so với mức cần thiết để loại bỏ khí thải nhà kính và đạt mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 là giữ nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng ở mức dưới 2 độ C, và lý tưởng là ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn nhất thế giới tiếp tục cung cấp nhiều tài chính hơn cho khách hàng sử dụng nhiên liệu hóa thạch so với doanh nghiệp năng lượng tái tạo, theo nghiên cứu của tổ chức bảo vệ môi trường Sierra Club và các nhóm phi lợi nhuận khác.
Thiếu hụt tài chính cho năng lượng xanh là vấn đề rõ ràng nhất ở các nước đang phát triển, nơi sinh sống của phần lớn dân số thế giới.
IEA ước tính, việc đáp ứng các mục tiêu của COP28 sẽ đòi hỏi mức đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn cầu tăng gấp đôi vào năm 2030 so với hiện nay. Tuy nhiên, đối với các thị trường mới nổi bên ngoài Trung Quốc, mức tăng đầu tư này cần gần bốn.
Nhiều startup công nghệ đang rơi vào tình trạng thiếu vốn ở giai đoạn mà họ cần hàng chục hoặc hàng trăm triệu đô la để xây dựng nhà máy đầu tiên. Một số startup thành công trong việc thu hút nguồn tài chính như vậy. Đáng chú ý H2 Green Steel của Thụy Điển đã huy động được 5,2 tỉ đô la trong năm nay từ một tập đoàn quốc tế để xây dựng nhà máy quy mô lớn đầu tiên trên thế giới sử dụng hydro xanh để sản xuất thép sạch
Tuy nhiên, tỉ phú đầu tư mạo hiểm John Doerr cảnh báo, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn và khả năng đón nhận các khó khăn. Việc xây dựng một công ty công nghệ khí hậu thành công mất nhiều thời gian hơn, có thể là từ 5-10 năm so với các công ty không đối mặt những thách thức như sự phê duyệt của cơ quan quản lý, rủi ro thị trường và rủi ro công nghệ.
Theo Financial Times