Bước đột phá quan trọng

Sau 2 năm thí điểm, việc ứng dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh các lớp đầu cấp mang lại những hiệu quả tích cực

Trong đó lấy tiêu chí để học sinh được học gần nhà, tạo thuận lợi cho phụ huynh học sinh là điều kiện tiên quyết.

Ứng dụng công nghệ bản đồ số GIS để tính toán khoảng cách di chuyển thực tế của học sinh, bảo đảm phương án tối ưu phù hợp với đặc thù giao thông và cơ sở hạ tầng của từng địa bàn.

Đối với các trường nằm ở khu vực giáp ranh, Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp địa phương được quyền xây dựng phương án tuyển sinh đặc thù, có thể mở rộng hoặc điều chỉnh khu vực tuyển sinh linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, phù hợp với đặc điểm dân cư và cơ sở vật chất thực tế của địa phương.

Ngoài được học gần nhà, quy trình tuyển sinh cũng được cải tiến để phụ huynh có thể ngồi tại chỗ cũng nộp được hồ sơ. Đó là việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến tại địa chỉ: https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn. Trong đó, sử dụng mã định danh học sinh và trích xuất 100% thông tin từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin trong kết nối dữ liệu.

Quy trình cải tiến này cũng phân loại đối tượng tuyển sinh rõ ràng. Đó là đối tượng 1 (đối tượng ưu tiên) dành cho những học sinh có "nơi ở hiện tại" thuộc địa bàn và trong độ tuổi quy định. Đối tượng 2 là những học sinh có nguyện vọng học tại khu vực không thuộc địa bàn cư trú thực tế. Trong đó, quy định rõ thứ tự ưu tiên xét tuyển cho đối tượng 2 là: Học sinh đã hoàn thành chương trình mầm non/tiểu học trên địa bàn, học sinh có cha/mẹ làm việc tại địa bàn, học sinh có "nơi ở hiện tại" thuộc khu vực ranh giới, học sinh chuyển tỉnh, học sinh thuộc các trường hợp đặc thù của địa phương.

Trên cơ sở thực hiện thí điểm 2 năm vừa qua, để hoàn thành công tác tuyển sinh trong tháng 6-2025. Ngay từ tháng 3-2025, Sở GD-ĐT TP HCM đã xây dựng kế hoạch rà soát dữ liệu. Việc xây dựng tập dữ liệu tuyển sinh từ sớm là bước đột phá quan trọng cho kỳ tuyển sinh 2025-2026, mang lại lợi ích đáng kể cho toàn bộ quy trình: Nâng cao độ chính xác trong phân tuyến tuyển sinh.

Thay vì dựa vào số liệu thống kê ước tính như những năm trước, ngành giáo dục nay có thể tiếp cận dữ liệu thực tế chính xác về "nơi ở hiện tại" của học sinh thông qua việc kết nối với VNeID và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Việc có dữ liệu sớm (từ tháng 4-2025) giúp các cơ quan quản lý giáo dục có thể dự báo chính xác nhu cầu học tập tại từng khu vực. Ban Chỉ đạo tuyển sinh các cấp có thể chủ động phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý cho từng trường, tránh tình trạng quá tải hoặc thiếu học sinh. Các phòng GD-ĐT có thể sớm lên phương án điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất, nhân lực cho các trường có nhu cầu tuyển sinh cao.

Cần khẳng định dữ liệu chính xác từ sớm chắc chắn giúp rút ngắn thời gian xét tuyển, giảm thiểu sai sót trong quá trình phân bổ học sinh; đặc biệt giảm thiểu tình trạng hồ sơ ảo, trùng lặp thông tin, hay đăng ký nhiều trường cùng lúc.

Theo NGUYỄN BẢO QUỐC - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/buoc-dot-pha-quan-trong-post317477.html