Bước đột phá trong ngày đầu tiên làm việc của COP29
Cuối ngày đầu tiên diễn ra hội nghị, các nhà ngoại giao đã 'bật đèn xanh' cho quy tắc điều chỉnh hoạt động giao dịch tín chỉ carbon.
Theo cập nhật của Washington Post, các nhà lãnh đạo thế giới vẫn đang tiếp tục trên đường đến Baku, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP29. Một số nhà lãnh đạo dự kiến có các bài phát biểu vào hôm 12/11 (giờ địa phương), một ngày sau khi khai mạc hội nghị.
Các nhà lãnh đạo thế giới nào sẽ phát biểu tại COP29?
Thủ tướng Anh Keir Starmer dự kiến sẽ công bố mục tiêu mới của nước này liên quan đến cắt giảm khí thải nhà kính đến năm 2035. Ông cũng dự kiến sẽ bày tỏ về việc Anh có thể giành lại vị thế dẫn dắt trong các chương trình về khí hậu từ Mỹ sau cuộc bầu cử mà ông Donald Trump giành chiến thắng.
Thủ tướng Barbados Mia Mottley dự kiến sẽ có bài phát biểu đầy nhiệt huyết về tài chính khí hậu. Bà trước đó nổi bật như một trong những tiếng nói kêu gọi lớn nhất về việc các nước phát triển cần hỗ trợ tài chính tích cực hơn để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của biến đổi khí hậu, bao gồm cả vấn đề mực nước biển dâng cao đe dọa nuốt chửng các quốc đảo thấp.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Brazil, Marina Silva, dự kiến sẽ quảng bá vai trò của đất nước mình là chủ nhà của Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc vào năm tới.
Một số nhà lãnh đạo khác cũng dự kiến phát biểu.
Bước đột phá trong ngày đầu tiên: Chấp thuận quy tắc giao dịch tín chỉ carbon
Cuối ngày đầu tiên diễn ra hội nghị, các nhà ngoại giao đã "bật đèn xanh" cho quy tắc điều chỉnh hoạt động giao dịch tín chỉ carbon, phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều năm về thị trường carbon gây tranh cãi này.
Trong đó, bản dự thảo quyết định về điều 6, liên quan đến quy tắc giao dịch tín chỉ carbon, được thông qua mà không có sự phản đối nào với một tràng pháo tay.
Một số đại biểu lo ngại rằng quyết định này có phần vội vã, không phản ánh cách thức hợp tác phù hợp. Tuy nhiên, nhìn lại kỳ COP28, UAE cũng thúc đẩy thông qua quyết định vào ngày đầu tiên bất chấp sự lo lắng của một số quốc gia.
Một số diễn biến quan trọng khác đã khép lại ngày hội nghị đầu tiên với những vấn đề nóng bỏng đang nhận được sự quan tâm của toàn thế giới.
Đầu tiên, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết năm 2024 đang trên đà trở thành năm ấm nhất được ghi nhận sau một chuỗi dài nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng tháng cao bất thường.
Tiếp đến, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, John Podesta cho biết cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ không dừng lại dưới thời tân tổng thống Donald Trump. Những thay đổi chính sách của Mỹ được chú ý sau kỳ bầu cử sít sao vừa diễn ra đầu tháng 11.
Tại hội nghị, một trong những vấn đề được bàn đến là "Siêu lợi nhuận" bất ngờ từ các công ty dầu mỏ lên tới nửa nghìn tỷ USD chỉ trong một năm, phản ánh thách thức tiếp theo của toàn thế giới trong việc xanh hóa năng lượng.
Quan chức đứng đầu về khí hậu của Liên hợp quốc Simon Stiell nhấn mạnh thông điệp phải kiên cường để ứng phó với tình hình mới: "Điều truyền cảm hứng cho tôi là sự khéo léo và quyết tâm của con người. Khả năng của chúng ta khi bị đánh gục và đứng dậy hết lần này đến lần khác, cho đến khi chúng ta đạt được mục tiêu của mình".
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP29 có đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Các trọng tâm thảo luận bao gồm về thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất thiệt hại do biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cơ chế trao đổi, bù trừ carbon, về tài chính khí hậu và triển khai kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất.
Đến với Hội nghị COP 29, Việt Nam ủng hộ quan điểm các nước phát triển cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu và công khai, minh bạch nguồn thu, cũng như các khoản chi tiêu qua các báo cáo hằng năm. Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị chi tiêu cho thích ứng và giảm nhẹ cần có sự tương đồng.
Theo báo cáo mới nhất, nguồn lực toàn cầu dành cho thích ứng biến đổi khí hậu nhiều năm qua chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, đồng nghĩa với trên 90% nguồn lực đang dành cho giảm nhẹ phát thải, khoảng 2 – 3% còn lại dành cho các hoạt động vừa thích ứng, vừa giảm nhẹ.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/buoc-dot-pha-trong-ngay-dau-tien-lam-viec-cua-cop29-ar906965.html