Bước ngoặt mang lại môi trường học tập lành mạnh

Từ trước đến nay, dạy học thêm luôn là vấn đề 'nóng'.

Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Điều gây ra bức xúc là còn có giáo viên dùng “thủ thuật” để ép học sinh học thêm, khiến nhiều em dù không có nhu cầu nhưng vẫn phải “tự nguyện một cách bắt buộc”. Bộ GD&ĐT cũng xác định đây là một trong những vấn đề mấu chốt cần tìm cách quản lý, để làm sao ngăn chặn hiện tượng tiêu cực mà không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của người dạy, người học.

Với nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh, gia đình học sinh theo các quy định hiện hành và không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình của nhà trường, giáo viên, Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm đã được Bộ GD&ĐT ban hành.

Quy định được đón nhận nhanh chóng với nhiều điểm mới, đặc biệt là thay đổi mang tính bước ngoặt về dạy học thêm trong nhà trường. Theo đó, từ ngày 14/2/2025, toàn bộ hoạt động dạy học thêm trong nhà trường đều không thu tiền của học sinh.

Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Quy định này giúp tập trung vào việc giảng dạy chính thức trong trường học, tạo điều kiện cho học sinh học tập trong môi trường công bằng hơn.

Thông tư cũng hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Có ý kiến lo lắng, siết chặt quy định dạy học thêm trong nhà trường có thể làm nảy sinh sự nở rộ các trung tâm dạy học thêm ngoài nhà trường; nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Tính đến điều này, Bộ GD&ĐT đưa quy định: Giáo viên không được dạy thêm bên ngoài có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Nếu tham gia dạy thêm bên ngoài, giáo viên phải báo cáo với người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm, địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy học thêm, danh sách người dạy thêm và mức thu tiền.

Quy định mới có hiệu lực trong thời điểm các nhà trường tăng tốc dạy học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Cũng có những bỡ ngỡ, xáo trộn bởi việc tổ chức lớp ôn tập thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền của học sinh.

Để hoạt động ôn tập không bị gián đoạn, cần sự vào cuộc nhanh chóng của sở GD&ĐT trong việc hướng dẫn, tham mưu địa phương hỗ trợ ngân sách. Quan trọng hơn cả là quyết tâm, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, các thầy cô, vì người học và chất lượng giáo dục.

Có thể nói, triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm rất cần sự thay đổi nhận thức, từ phía nhà trường, giáo viên, gia đình học sinh và các cấp quản lý. Mặc dù có thể còn một số khó khăn trong thời gian đầu triển khai, nhưng nếu được thực hiện nghiêm túc, quy định này sẽ mang lại môi trường học tập lành mạnh, công bằng, hiệu quả hơn.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/buoc-ngoat-mang-lai-moi-truong-hoc-tap-lanh-manh-post715233.html