Bước tiến chiến lược trong cách các đồng minh phương Tây hỗ trợ Ukraine

Bằng việc trang bị cho Ukraine hệ thống phòng không Raven, Vương quốc Anh không chỉ đáp ứng nhu cầu phòng thủ trước mắt mà còn định hình tương lai của chiến lược viện trợ quân sự.

Một hệ thống phòng không Raven do Anh sản xuất, dựa trên khung gầm xe Supacat HMT 600 đang tác chiến tại Ukraine, phóng tên lửa ASRAAM để đánh chặn một mối đe dọa đường không trong chiến dịch ở tiền tuyến. Ảnh cắt từ clip của Bộ Quốc phòng Anh

Một hệ thống phòng không Raven do Anh sản xuất, dựa trên khung gầm xe Supacat HMT 600 đang tác chiến tại Ukraine, phóng tên lửa ASRAAM để đánh chặn một mối đe dọa đường không trong chiến dịch ở tiền tuyến. Ảnh cắt từ clip của Bộ Quốc phòng Anh

Trong một thông báo quan trọng được công bố qua video bởi Bộ Quốc phòng Anh ngày 10/5/2025, Đại tá Olly Todd thuộc Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh xác nhận rằng Vương quốc Anh đã bàn giao tám hệ thống tên lửa phòng không Raven cho Ukraine vào năm 2022. Đại tá Olly Todd cũng cho biết thêm rằng năm hệ thống Raven nữa sẽ được chuyển giao trong thời gian tới. Diễn biến này cho thấy cam kết liên tục của Anh trong việc củng cố năng lực phòng không của Ukraine trong bối cảnh xung đột với Liên bang Nga vẫn đang tiếp diễn.

Theo chuyên trang quân sự armyrecognition.com ngày 11/5, hệ thống tên lửa phòng không Raven do Anh sản xuất, thường được gọi với biệt danh “Frankensam” do thiết kế lai tạo, là một giải pháp phòng không mặt đất tinh vi, có tính cơ động cao, được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu trên chiến trường Ukraine. Dựa trên khung gầm Supacat HMT 600 6x6 vững chắc, Raven có khả năng cơ động vượt trội và triển khai nhanh chóng - những yếu tố then chốt để đối phó với các mối đe dọa đường không thay đổi nhanh trong môi trường tác chiến khốc liệt.

Trung tâm sức mạnh tác chiến của hệ thống này là việc tích hợp tên lửa không đối không tầm ngắn tiên tiến ASRAAM (còn được biết đến với định danh Mỹ là AIM-132). Ban đầu được phát triển cho chiến đấu cơ như Eurofighter Typhoon và F-35, ASRAAM đã được điều chỉnh để phóng từ mặt đất, giúp tăng cường đáng kể khả năng của Ukraine trong việc đối phó với các mối đe dọa đường không tầm thấp như thiết bị bay không người lái, trực thăng và tên lửa hành trình.

ASRAAM là tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại có tốc độ siêu thanh, vượt quá Mach 3. Khi phóng từ máy bay, tầm bắn của nó có thể lên đến 50 km. Dù phiên bản phóng từ mặt đất có tầm bắn ngắn hơn, nhưng vẫn giữ được tốc độ cao và độ chính xác vượt trội nhờ đầu dò hồng ngoại hình ảnh tiên tiến cùng các thuật toán dẫn đường tinh vi. Khi được tích hợp với hệ thống ngắm bắn hiện đại của Raven, tên lửa này trở thành một công cụ hiệu quả để Ukraine đánh chặn các mục tiêu đường không nhanh và linh hoạt.

Hệ thống tên lửa phòng không Raven được thiết kế để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu đường không khác nhau thường gặp trong các khu vực xung đột hiện đại. Đặc biệt, hệ thống này rất hiệu quả khi đối đầu với các máy bay bay thấp và cơ động cao như cường kích Su-25 và trực thăng tấn công Ka-52 của Liên bang Nga - những mối đe dọa thường trực đối với lực lượng mặt đất Ukraine. Ngoài ra, Raven còn rất hữu hiệu trong việc chống lại số lượng ngày càng tăng của vũ khí tuần kích và thiết bị bay không người lái chiến thuật do Liên bang Nga sử dụng cho trinh sát và tấn công. Hệ thống này cũng có thể đánh chặn tên lửa hành trình bay chậm, loại vũ khí ngày càng được sử dụng để tấn công hạ tầng dân sự của Ukraine. Do đó, Raven là một thành phần quan trọng trong mạng lưới phòng không nhiều tầng của Ukraine, đặc biệt ở các vị trí tiền tuyến và bảo vệ tài sản chiến lược.

Biệt danh “Frankensam” của hệ thống Raven bắt nguồn từ sự kết hợp sáng tạo các thành phần từ nhiều nền tảng quân sự khác nhau giống như quái vật Frankenstein được ghép từ nhiều phần cơ thể. Khung gầm Supacat HMT 600 được thiết kế ban đầu cho lực lượng đặc nhiệm, trong khi bệ phóng được điều chỉnh để sử dụng ASRAAM - loại tên lửa vốn dành cho máy bay chiến đấu. Các kỹ sư Anh đã tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực, ngắm bắn và nguồn điện từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một hệ thống phòng không có chi phí hiệu quả, có thể triển khai nhanh mà không cần phát triển từ đầu. Biệt danh “Frankensam” phản ánh tinh thần sáng tạo và khả năng thích ứng trên chiến trường – điều cốt lõi trong quá trình phát triển Raven.

Hệ thống Raven có các khối điện tử và cảm biến mô-đun, năng lực chỉ huy - điều khiển tích hợp, và khoang điều khiển bọc thép cho kíp lái. Các đặc tính này giúp Raven có thể triển khai nhanh, vận hành an toàn trong điều kiện nguy hiểm, và dễ bảo trì trong mạng lưới phòng không ngày càng mở rộng của Ukraine. Hệ thống này còn có thể hoạt động trong cấu trúc mạng phòng không tích hợp, góp phần tăng cường năng lực phòng thủ theo chiều sâu của Ukraine.

Kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Vương quốc Anh đã trở thành một trong những đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Ukraine. Tính đến đầu năm 2025, Anh đã cam kết hỗ trợ quân sự trị giá hơn 10,8 tỷ bảng Anh, với gói viện trợ quốc phòng hàng năm trị giá 3 tỷ bảng sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Hỗ trợ này đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực phòng không của Ukraine.

Một số đóng góp nổi bật từ Anh gồm có tên lửa tốc độ cao Starstreak, được cung cấp ngay trong những tháng đầu của cuộc chiến. Đây là loại đạn dẫn đường bằng laser, được thiết kế để tiêu diệt các mối đe dọa tốc độ cao như trực thăng tấn công và máy bay bay thấp. Đi kèm với Starstreak là xe bọc thép Stormer HVM, tích hợp nhiều bệ phóng Starstreak, giúp tăng khả năng cơ động và bảo vệ cho lực lượng phòng không tiền tuyến của Ukraine. Anh cũng cung cấp tên lửa Martlet đa năng hạng nhẹ, hiệu quả cao trong việc tiêu diệt thiết bị bay không người lái nhỏ và mục tiêu bay nhẹ bọc giáp mỏng.

Ngoài ra, ngành công nghiệp quốc phòng Anh còn phát triển hệ thống Gravehawk – một giải pháp sáng tạo tái sử dụng tên lửa không đối không R-73 thời Liên Xô để phóng từ mặt đất. Điều này không chỉ giúp tận dụng kho vũ khí cũ mà còn đáp ứng nhanh chóng nhu cầu phòng không chống máy bay không người lái, với chi phí thấp hơn và khả năng bắn loạt để tạo lưới lửa phòng thủ.

Việc chuyển giao hệ thống Raven và tên lửa ASRAAM là một bước tiến chiến lược trong cách các đồng minh phương Tây hỗ trợ Ukraine. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào dây chuyền sản xuất mới hoặc nền tảng quân sự tiêu chuẩn, Anh đã đi đầu trong việc phát triển các giải pháp thích ứng bằng cách kết hợp công nghệ sẵn có thành các cấu hình sáng tạo để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của chiến trường. Cách tiếp cận này cho phép rút ngắn thời gian giao hàng, giảm chi phí và tăng tính linh hoạt chiến thuật.

Bằng việc trang bị cho Ukraine hệ thống phòng không Raven, Vương quốc Anh không chỉ đáp ứng nhu cầu phòng thủ trước mắt mà còn định hình tương lai của chiến lược viện trợ quân sự. Các hệ thống này cho thấy khả năng thích ứng và sáng tạo có thể đóng vai trò quyết định trong các cuộc xung đột hiện đại, mang lại giải pháp hiệu quả và bền vững ngay cả trong điều kiện tài nguyên hạn chế.

Khi Ukraine tiếp tục bảo vệ chủ quyền và dân thường trước các mối đe dọa đường không dai dẳng, việc tiếp tục nhận được các hệ thống như Raven sẽ đóng vai trò then chốt trong việc củng cố không phận quốc gia. Những đóng góp từ Vương quốc Anh, cả về mặt trang thiết bị lẫn đổi mới chiến thuật, đã và đang nâng cao đáng kể năng lực của Ukraine duy trì ổn định chiến trường và chống lại các lực lượng Liên bang Nga.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/buoc-tien-chien-luoc-trong-cach-cac-dong-minh-phuong-tay-ho-tro-ukraine-20250511211207606.htm