Bước tiến mạnh mẽ trong phân cấp, phân quyền về quy hoạch

Theo các đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch cho thấy một bước tiến mạnh mẽ trong nỗ lực cải cách đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, đặc biệt trong đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật về quy hoạch.

Thảo luận tại tổ chiều 10/5, đa số đại biểu tán thành việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch để quy định đồng bộ, tránh mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; đồng thời, phù hợp với mô hình bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và đơn giản hóa các quy trình trong hoạt động quy hoạch.

Phân cấp mạnh để địa phương tự quyết

Theo các đại biểu, nước ta đang có một hệ thống quy hoạch rất phức tạp, với ba loại quy hoạch do Quốc hội phê duyệt, 39 loại quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các loại quy hoạch này có mục đích, tiêu chí và thời hạn khác nhau, gây khó khăn trong việc đảm bảo tính thống nhất và liên kết.

"Với một hệ thống quy hoạch như vậy thì làm thế nào, cơ sở nào để đánh giá, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp của các loại quy hoạch với nhau? Điều này gần như không tưởng" - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) nêu quan điểm.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại tổ. Ảnh: An Nhiên

Theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), dự thảo Luật cho thấy một bước tiến mạnh mẽ trong việc nỗ lực đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển của giai đoạn mới, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) bày tỏ đồng tình với quy định về phân cấp thẩm quyền trong quản lý nhà nước về quy hoạch. Theo đó, đối với quy hoạch cấp quốc gia giao Quốc hội, còn quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất giao cho Chính phủ. Việc phân cấp như vậy sẽ rút ngắn thời gian, giảm thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, công trình…

Đánh giá cao các nội dung mới của dự thảo, đại biểu Trần Lưu Quang (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo có những điểm thay đổi rất tích cực.

Cụ thể, việc sửa đổi, bổ sung nội dung quy hoạch được quy định theo hướng chỉ bao gồm những quy định khung, mang tính định hướng, còn chi tiết để địa phương tự quyết. Bởi, "không ai hiểu và biết phải làm như thế nào bằng địa phương" - đại biểu Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh việc phân cấp rất mạnh về thẩm quyền, thẩm quyền của Thủ tướng được phân cấp cho các bộ trưởng, các Chủ tịch UBND tỉnh…, dự thảo cũng đã quy định mở rộng hơn luật hiện hành khi cho phép địa phương có thể lựa chọn tự lập hoặc nhờ tư vấn lập quy hoạch. Đặc biệt, dự án luật lần này đã giảm bớt rất nhiều thủ tục về trình tự, thủ tục của hoạt động quy hoạch để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Rút ngắn thời gian, gỡ chồng chéo trong quy hoạch

Về hệ thống quy hoạch (Điều 5), một số ý kiến cho rằng, việc quy định các loại quy hoạch được phép lập đồng thời là một bước tiến quan trọng, tạo điều kiện rút ngắn thời gian chuẩn bị quy hoạch, giảm độ trễ giữa các quy hoạch khác cấp, đồng thời khắc phục tình trạng “đợi nhau”.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) phát biểu tại tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề xuất, bổ sung cơ chế phối hợp lập đồng thời quy hoạch giữa Trung ương – địa phương – ngành. Cụ thể, cần quy định về tổ chức làm đầu mối điều phối, chia sẻ thông tin, trách nhiệm giải trình khi có mâu thuẫn, có thể đó là tổ giúp việc do Trung ương thành lập. Có như thế mới giải quyết nhanh khi thực tế có bất cập.

"Nếu có một tổ chức làm đầu mối thì giải quyết rất nhanh và hiệu quả, tăng quyền chủ động cho địa phương, như: cho phép địa phương tự xây dựng phương án quy hoạch trong khuôn khổ mục tiêu phát triển chung và linh hoạt xử lý các xung đột kỹ thuật mà không cần chờ cấp cao hơn duyệt lại toàn bộ…" - đại biểu phân tích.

Bên cạnh đó, đối với các mâu thuẫn nhỏ hoặc kỹ thuật, theo đại biểu, nên trao quyền cho địa phương xử lý linh hoạt. Có thể bổ sung cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh được tự quyết trong trường hợp mâu thuẫn nhỏ mang tính kỹ thuật hoặc đã có ý kiến đồng thuận giữa các bên liên quan.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị, quy định rõ về "thời điểm xác lập vùng" đối với quy hoạch vùng, vì quy hoạch vùng phụ thuộc vào việc xác định vùng cụ thể, nếu chậm hoặc không xác định rõ sẽ gây vướng mắc cho tiến độ lập quy hoạch tiếp theo. Do đó, nên quy định thời hạn Chính phủ ban hành quyết định xác lập vùng.

Dự thảo Luật quy định điều chỉnh quy hoạch không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét giữ nguyên nội dung quy định của luật hiện hành về việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược đối với việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách nhưng có ảnh hưởng đến môi trường chiến lược của địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ chiều 10/5. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại tổ về nội dung phân cấp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, trường hợp cần phân cấp cho Chính phủ thì cần nghiên cứu để tích hợp một số nội dung quan trọng của 2 quy hoạch này vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm quyền giám sát, quyết định của Quốc hội đối với các nguồn lực đặc biệt, có tầm quan trọng quốc gia. "Sửa gì thì sửa, nhưng phải bảo đảm không vi hiến, tuân thủ Hiến pháp" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, theo Chủ tịch Quốc hội, việc rút ngắn quy trình điều chỉnh quy hoạch theo hướng giản lược các bước không phải thực hiện thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch; không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc, đối với trường hợp điều chỉnh quy hoạch làm thay đổi quy mô, nội dung lớn như thay đổi định hướng phát triển, mục tiêu sử dụng đất mà không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược sẽ có tác động xấu đến môi trường và tiềm ẩn rủi ro cho phát triển bền vững.

Dù đã có bước tiến tích cực, song theo một số đại biểu, dự thảo Luật vẫn chưa thể giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc lâu nay. Về lâu dài, cần có sự nghiên cứu, cải cách sâu rộng hơn về thể chế, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các nghị quyết về chiến lược phát triển./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/buoc-tien-manh-me-trong-phan-cap-phan-quyen-ve-quy-hoach-176216.html