Xem xét thành lập cơ sở 2 ở TP Kon Tum sau sáp nhập
Với địa hình đồi núi và cách nhau đến 200km, Ban Thường vụ hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thống nhất thành lập cơ sở 2 của tỉnh Quảng Ngãi mới ở TP. Kon Tum để thuận tiện điều hành công việc.
Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Quảng Ngãi và BTV Tỉnh ủy Kon Tum vừa tổ chức buổi làm việc định kỳ lần 2 để thảo luận và cho ý kiến một số nội dung về triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt là phương án bố trí nơi làm việc và chỗ ở cho cán bộ Kon Tum khi chuyển về Trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Ngãi mới.
Tính toán nhà ở cho cán bộ xuống tỉnh mới công tác
Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Trọng – Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi, tổng số cán bộ của Kon Tum dự kiến điều chuyển là 1.163 người, trong đó có 121 cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý. Quảng Ngãi đề xuất bố trí nhà công vụ cho 97 cán bộ thuộc diện này, hỗ trợ thuê nhà cho 11 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 1.042 cán bộ khác.

Quang cảnh buổi làm việc.
Để chuẩn bị chỗ ở, Quảng Ngãi sẽ chuyển đổi công năng 4 cơ sở hiện có gồm nhà A3 Tỉnh ủy, Nhà khách T50, ký túc xá Trường Chính trị tỉnh và trụ sở Trung tâm hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ tỉnh. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát quỹ nhà công vụ hiện có để đáp ứng nhu cầu chỗ ở.
Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, Quảng Ngãi đang giao các cơ quan liên quan tính toán mức hỗ trợ phù hợp, trình HĐND tỉnh xem xét, dự kiến áp dụng trong 2 năm đầu sau sáp nhập. Sau đó tùy theo tình hình thực tiễn sẽ ban hành chính sách mới phù hợp.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cũng đề xuất cần tính đến việc thành lập cơ sở 2 của tỉnh mới tại TP. Kon Tum nhằm giảm áp lực di chuyển cho cán bộ và thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo việc lo nơi ăn chốn ở.
Ông Dương Văn Trang – Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhấn mạnh, với địa hình đồi núi, khoảng cách giữa TP. Kon Tum và TP. Quảng Ngãi hiện nay lên đến 200km, việc đi lại rất khó khăn. Do đó, việc thành lập cơ sở 2 của tỉnh mới trong giai đoạn đầu cũng phù hợp chủ trương của Trung ương.
"Riêng tôi và cán bộ Kon Tum nhất trí thành lập cơ sở 2 trong bước đầu sáp nhập tỉnh. Khi nào ổn định trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thì rút về Trung tâm hành chính của tỉnh mới", ông Trang nói.
Ông Trang cũng đề nghị Quảng Ngãi quan tâm chỗ ở lâu dài cho cán bộ Kon Tum, đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.

Ông Dương Văn Trang – Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum.
Sau khi Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum góp ý, BTV Tỉnh ủy của 2 tỉnh thống nhất với ý kiến thành lập cơ sở 2 trong giai đoạn đầu sáp nhập tỉnh đặt ở TP. Kon Tum.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định, việc bảo đảm đời sống và nơi ở cho cán bộ sau sáp nhập là ưu tiên hàng đầu. “BTV Tỉnh ủy Quảng Ngãi tiếp thu toàn bộ góp ý của BTV Tỉnh ủy Kon Tum. Trong đó sẽ tính toán thành lập cơ sở 2 ở TP Kon Tum hiện nay bởi đúng là địa hình của chúng ta rất khó khăn trong đi lại”, bà Vân nói.
Bà Vân cho biết thêm, việc phân công cán bộ làm việc tại cơ sở này sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả công tác và thuận lợi cho người dân. Hệ thống quản lý hành chính sẽ được liên thông, tận dụng hạ tầng số nhằm rút ngắn quy trình xử lý công việc.
Tỉnh Quảng Ngãi mới có nhiều lợi thế
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về Phương án tổng thể sắp xếp cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý tại cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Thảo luận về dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.
Về dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh mới, đặt mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt từ 10%/năm trở lên; tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 75 - 76%; phấn đấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao…
Dự thảo cũng xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng và hình thành Trung tâm lọc – hóa dầu, năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch, đưa Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo và Măng Đen thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

KKT Dung Quất với lọc dầu là lợi thế lớn của Quảng Ngãi.
Ba nhiệm vụ đột phá gồm: đầu tư hạ tầng hiện đại; nâng cao chất lượng cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho rằng, trong nhiệm kỳ tới tỉnh Quảng Ngãi mới có lợi thế rất lớn sau khi hợp nhất với Kon Tum. Vì vậy cần đặt sự phát triển với mục tiêu phấn đấu, quyết tâm đuổi kịp các tỉnh trong khu vực.
“Quảng Ngãi có KKT Dung Quất đang phát triển cần tăng tỉ lệ lấp đầy, mở rộng diện tích và thể hiện đúng nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là phát triển công nghiệp. Đối với phát triển đô thị dịch vụ, cần tập trung phát triển dọc theo sông Trà Khúc và bãi biển Mỹ Khê. Phấn đấu đạt được như các bãi biển Quy Nhơn, Đà Nẵng”, ông Trang nói.

Làng du lịch cộng đồng thôn Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Tiền Lê
Về khu vực miền núi, tỉnh Quảng Ngãi mới chủ yếu phát triển nông nghiệp với cây công nghiệp dài ngày và chế biến nông sản. Sau khi hợp nhất, Quảng Ngãi sẽ có thế mạnh rất lớn về phát triển dược liệu đặc hữu là sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi mới là cửa khẩu quốc tế Bờ Y ở ngã 3 Đông Dương, lưu thông hàng hóa lớn. Vì thế, trong dự thảo văn kiện nhiệm kỳ tới cần tính toán đến lợi thế này.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh, việc sáp nhập mở ra nhiều cơ hội, tạo lợi thế phát triển cho tỉnh Quảng Ngãi mới. Do đó, việc xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Thắng cảnh Hang Câu (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Bà Vân khẳng định Quảng Ngãi đã có nền tảng công nghiệp và định hướng phát triển công nghiệp để bứt phá. Tỉnh Quảng Ngãi mới cũng có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ, du lịch khi giáp ranh các nước và phát triển theo trục hành lang kinh tế Đông Tây.
“Măng Đen có nhà đầu tư chiến lược, có đầy đủ sản phẩm du lịch cho chúng ta. Tích hợp được đưa vào báo cáo chính trị để định hướng nhiệm kỳ tới. Tỉnh Quảng Ngãi mới có đầy đủ điều kiện giữ cơ cấu kinh tế tăng trưởng và đưa du lịch thành điểm sáng, đuổi kịp các tỉnh đã phát triển trước chúng ta”, bà Vân nói.