Bước tiến mới của 'cuộc cách mạng' tinh gọn
Sáng qua (18/2), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Các đại biểu dự phiên họp ngày 18/2 (Ảnh: hcmcpv.org.vn).
Trước đó, trong hai ngày 13 và 14/2 Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật, không khí thảo luận sôi nổi, trách nhiệm... Sau đó. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được đánh giá đã bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nguyên tắc phân định thẩm quyền; phân quyền, phân cấp, ủy quyền; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ...
Cả hệ thống chính trị đã và đang thực hiện “cuộc cách mạng” tinh gọn, tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm đạt mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy. Nhắc lại, sáng 13/2, phát biểu tại Tổ 01 (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối, chính sách pháp luật, bảo đảm mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển. “Đây là thời điểm vàng triển khai tinh gọn, sắp xếp bộ máy để đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa được thông qua, đáp ứng yêu cầu tổ chức mô hình tổ chức bộ máy, cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Cùng với Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Cả hai đạo luật đã bám sát yêu cầu, định hướng của Trung ương, Bộ Chính, trị, thể hiện rõ tư duy đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiến tạo phát triển. Điểm mới chung của hai đạo luật này là tập trung sửa đổi thẩm quyền cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền.
Kỳ họp thứ 9 còn thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để làm cơ sở triển khai thực hiện, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tinh thần và khí thế tiến công, vượt khó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc quan trọng ban đầu của dự án. Trước khi ban hành nghị quyết này, các đại biểu đã thảo luận rất nghiêm túc, về cơ chế kiểm soát, các cam kết về công nghệ và trách nhiệm trước luật pháp của các chủ thể.
Tổ chức bộ máy nhà nước sau tinh gọn sẽ động viên được Nhân dân tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước, khai thác được tiềm năng còn rất lớn của đất nước; thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính… Nói cách khác, những quy định mới như trên chính là những bước tiến mới của “cuộc cách mạng” tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/buoc-tien-moi-cua-cuoc-cach-mang-tinh-gon-post540173.html