Buôn thủy buôn vã chẳng đã hà tiện
Tục ngữ Việt Nam có câu 'Buôn tàu bán bè chẳng bằng ăn dè tiết kiệm' (dị bản: Buôn Ngô buôn Tầu không giàu bằng hà tiện; Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện; Buôn thủy buôn vã chẳng đã hà tiện; Buôn tàu chẳng giàu bằng hà tiện).

Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010), thu thập bản “Buôn thủy buôn vã [?] chẳng đã [?] hà tiện”, và chú là “Chưa rõ nghĩa”.
Theo ký hiệu đánh dấu [?], có lẽ soạn giả đã không hiểu “buôn vã” và “chẳng đã” là gì, nên mới xếp câu này vào diện “chưa rõ nghĩa”.
Vậy “vã” trong “buôn vã” là gì?
Vã ở đây có nghĩa là di chuyển, đi lại trên bộ bằng đôi chân, hoặc làm việc gì hoàn toàn dựa vào sức lực chân tay, phải vượt qua quãng đường dài rất vất vả (Thứ nhất thì chết mất cha/ Thứ nhì buôn vã, thứ ba ngược đò - Ca dao).
Buôn vã hay Buôn vai gánh vã, có nghĩa là buôn bán bằng đôi vai gánh gồng nặng nhọc chứ không có phương tiện xe cộ, máy móc hỗ trợ nào khác. Ngược lại, “buôn thủy” hay buôn thuyền là buôn bán lớn, có phương tiện chuyên chở bằng thuyền bè.
“Đã” trong “chẳng đã” có nghĩa là bằng. Buôn thủy buôn vã chẳng đã hà tiện, là dị bản của Buôn tàu chẳng giàu bằng hà tiện, mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích là “Buôn bằng cách dùng cả tàu bè (để vận chuyển) cũng chẳng tích cóp được nhiều của cải bằng ăn tiêu tằn tiện. Hay dùng với ẩn ý: nh. Buôn tàu buôn bè chẳng bằng ăn dè hà tiện”. Thế nhưng chỉ vì mấy chữ “lạ” “buôn vã” và “chẳng đã”, tác giả Từ điển tục ngữ Việt đã không hiểu “Buôn thủy buôn vã chẳng đã hà tiện” có nghĩa là gì.
Như vậy, “Buôn thủy buôn vã chẳng đã hà tiện” có nghĩa buôn bán dù to (buôn thủy) hay nhỏ (buôn vã) cũng không thể nào bằng hà tiện, dành dụm, ăn tiêu chắt bóp. Đây là một quan điểm đề cao sự kiệm cần, lời khuyên phải chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm mới có được.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/buon-thuy-buon-va-nbsp-chang-da-ha-tien-255620.htm