Bứt phá trong phát triển kinh tế số

Những năm qua, tỉnh Hà Nam liên tục nằm trong số các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, nền kinh tế của Hà Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 10,93%, xếp vị trí thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 5 toàn quốc. Để có kết quả này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, trong đó chú trọng thực hiện một trong ba trụ cột chính là phát triển kinh tế số.

Tạo đà cho phát triển kinh tế số

Xác định phát triển mạnh kinh tế số là nhiệm vụ quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, thời gian qua, Hà Nam đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh; trong đó, trọng tâm là ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng số. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, Hà Nam đã có nền tảng quan trọng để tạo đà cho kinh tế số phát triển. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã có đường truyền cáp quang, internet cung cấp đến tận thôn, tổ dân phố; 100% dân số được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G. Thời điểm này, các nhà mạng đang tập trung triển khai phủ sóng mạng 5G tại khu vực trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Dự kiến, trong năm 2025 sẽ triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân truy cập internet và truyền tải dữ liệu nhanh hơn. Đây chính là hạ tầng số quan trọng để Hà Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, trong đó có kinh tế số.

Hướng dẫn khách hàng thanh toán bằng mã QR tại siêu thị Go! Hà Nam. Ảnh: P.V

Hướng dẫn khách hàng thanh toán bằng mã QR tại siêu thị Go! Hà Nam. Ảnh: P.V

Đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam đã được cập nhật đầy đủ thông tin, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cũng đã cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn ngày càng mở rộng cung cấp các dịch vụ mới phục vụ phát triển thương mại điện tử, kinh tế số như triển khai thanh toán điện tử, nâng cao chất lượng truy cập internet. Trong lộ trình tắt sóng 2G, các doanh nghiệp viễn thông đã có chính sách ưu đãi, khuyến mại, hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân chuyển đổi lên thuê bao 4G.

Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã tặng trên 9.000 điện thoại 4G cho khách hàng; hỗ trợ giảm giá điện thoại, ưu đãi tặng gói data, phút gọi... cho gần 13.000 khách hàng khi mua điện thoại 4G. Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tổ chức hội nghị tập huấn về chuyển đổi số cho khoảng 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các thôn, tổ dân phố thường xuyên tổ chức ra quân hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như: thanh toán số; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử; tham gia sàn thương mại điện tử...

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Để tạo đà cho phát triển kinh tế nói chung, kinh tế số nói riêng, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao. Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; số điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối internet băng rộng cố định là 125 điểm. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử đạt xấp xỉ 90%. Số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân khoảng 70.000 người.

Kinh tế số xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ tiếp cận, tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số; gần 3.000 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số trong công tác quản lý, điều hành, quảng bá sản phẩm, dịch vụ và bán hàng. Thời điểm này, gần 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện nộp thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; trên 2.500 doanh nghiệp sử dụng tên miền “.vn”; trên 50% số doanh nghiệp có website và trên 60% số doanh nghiệp này đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến với khách hàng và có chức năng đặt mua hàng trực tuyến. Hiện, Hà Nam có trên 1 triệu tài khoản giao dịch của cá nhân, tổ chức đã được mở tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Theo hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, Hà Nam đã có trên 15.300 giao dịch được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử với số tài khoản hoạt động trên sàn là trên 92.800 tài khoản. Toàn tỉnh có gần 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp đăng tải sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo về kỹ năng số là gần 90.000 hộ.

Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia quảng bá sản phẩm. Ảnh: Hân Hân

Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia quảng bá sản phẩm. Ảnh: Hân Hân

Khởi sắc trong bức tranh kinh tế số của Hà Nam trong những năm qua phải kể đến sự phát triển sôi động của hoạt động thương mại điện tử với phương thức mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Các hoạt động thanh toán viện phí, học phí, tiền điện, tiền nước hay thanh toán các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính… cũng đã được thực hiện phổ biến bằng phương thức thanh toán điện tử như chuyển khoản, ví điện tử, quét mã QR. Ngoài ra, nhiều chợ truyền thống đã triển khai mô hình “Chợ 4.0” với tỷ lệ cao số hộ kinh doanh chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đều cho phép khách hàng thanh toán điện tử, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem truy xuất có mã QR Code và triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…

Đánh giá về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế số trên địa bàn, ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2024, Chỉ số thương mại điện tử của Hà Nam xếp vị trí thứ 18/58 tỉnh, thành phố tham gia đánh giá xếp hạng, tăng 6 bậc so với năm 2023. Còn theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nam đạt 13,25%%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Kết quả đạt được cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số, trong đó có kinh tế số.

Trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, Hà Nam xác định sẽ phát triển mạnh kinh tế số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phấn đấu, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt từ 10%. Đến năm 2030, kinh tế số đạt từ 20% GRDP của tỉnh; từ 80% số doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; trên 70% giao dịch mua bán trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; trên 90% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về cơ chế, chính sách pháp luật và các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; phối hợp với các đơn vị, cơ quan có liên quan tập huấn, phổ cập kỹ năng số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao để hình thành các doanh nghiệp số; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website, tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án về phát triển thương mại điện tử; xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh; đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, trong đó ưu tiên tập trung cho ngành điện lực nhằm tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/but-pha-trong-phat-trien-kinh-te-so-145551.html