Bứt phá từ hai trụ cột: Củng cố doanh nghiệp Nhà nước, tiếp lửa kinh tế tư nhân

Theo các chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp Nhà nước thực sự 'khỏe,' việc đổi mới công tác quản trị theo hướng hiện đại, tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế được coi là giải pháp căn cơ.

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các giải pháp tài chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được thảo luận sôi nổi, trong đó nổi bật là vai trò song hành của doanh nghiệp Nhà nước và kinh tế tư nhân.

Nghị quyết của Đảng và Quốc hội xác định doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong các lĩnh vực then chốt, còn kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thậm chí quan trọng nhất đối với nền kinh tế. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và hỗ trợ mạnh mẽ khu vực tư nhân thể hiện quyết tâm của cơ quan lập pháp và hành pháp trong việc khơi thông nguồn lực, phát huy sức mạnh hai khu vực để cùng dẫn dắt tăng trưởng và tạo đột phá kinh tế trong giai đoạn tới.

Kích hoạt vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến đầu năm 2024, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đang quản lý tổng tài sản trên 4 triệu tỷ đồng, tổng vốn đầu tư của Nhà nước trên 1,75 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động. Khu vực này đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế...

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đánh giá hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua có một số trở ngại và hạn chế. Đó là nguồn lực về vốn, tài sản chưa được khơi thông do việc quy định về phân công, phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư chưa được trao cho doanh nghiệp để tự chủ đối với các quyết định đầu tư lớn, các quyết định mang tính rủi ro.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường, năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng. Một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro...

 Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn kiểm tra thực địa công trường triển khai các phần việc liên quan của Dự án Phát triển Mỏ khí Lô B. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn kiểm tra thực địa công trường triển khai các phần việc liên quan của Dự án Phát triển Mỏ khí Lô B. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là một trong những câu hỏi được đặt ra tại phiên chất vấn nhóm vấn đề tài chính tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay không ít doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn tình trạng hoạt động kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, năng suất lao động thấp, nợ xấu còn tiềm ẩn. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp còn chậm. Cơ chế quản lý, giám sát còn những bất cập, chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu báo cáo năm 2023, cả nước có 134 doanh nghiệp Nhà nước lỗ đến 115.270 tỷ đồng. Con số này đặt ra một dấu hỏi lớn về hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.

Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước năm 2025 là 8% và cao hơn, do đó đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) và Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng cần những giải pháp đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Để doanh nghiệp Nhà nước thực sự "khỏe," việc đổi mới công tác quản trị theo hướng hiện đại, tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế được coi là giải pháp căn cơ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nhìn nhận doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chưa áp dụng triệt để nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Xuất phát từ nhiều lý do như quy định của pháp luật, từ nhận thức, tư duy của lãnh đạo, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược tư duy kinh doanh hiệu quả. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) là một bước tiến quan trọng.

Để doanh nghiệp Nhà nước thực sự "khỏe," việc đổi mới công tác quản trị theo hướng hiện đại, tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế được coi là giải pháp căn cơ.

Theo Bộ trưởng, các giải pháp cụ thể cần thống nhất về nhận thức rằng quản trị doanh nghiệp Nhà nước là tập hợp cơ chế điều chỉnh mối quan hệ đa chiều; Nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của người đại diện vốn chủ sở hữu; Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; Minh bạch, công khai thông tin, mở rộng hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào quản trị; Đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến (như OECD), tăng cường vai trò của Hội đồng quản trị độc lập, kiểm toán nội bộ, công khai minh bạch thông tin tài chính và hoạt động là những bước đi cần thiết.

Theo ông Thắng, Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) đã quy định nhằm giải quyết được dứt điểm đối với các vướng mắc. Khi quy định rõ ràng, các thành viên Chính phủ có đầy đủ các căn cứ để đưa ra ý kiến từ đó đảm bảo tiến độ trong vấn đề giải quyết việc chuyển giao, sáp nhập giữa các doanh nghiệp với nhau. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu trong việc thực hiện đề án cơ cấu lại. Việc xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài, các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả cũng cần được ưu tiên.

 Lễ ký Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 15-2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lễ ký Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 15-2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặt khác, ngày 5/6/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 4941/VPCP-ĐMDN, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp hoàn thiện Đề án, nghiên cứu, đề xuất ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025, Đảng ủy Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đã đóng góp ý kiến vào Hồ sơ trình của Bộ Tài chính đồng thời báo cáo về hiện trạng hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp cũng có những kiến nghị, đề xuất khơi thông một số vấn đề liên quan đến thể chế, cổ phần hóa, thoái vốn, đầu tư hạ tầng, quản lý con người…

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần rà soát, hệ thống lại chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để làm rõ vai trò, vị trí, sứ mệnh của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay và trong giai đoạn tới, gắn với bối cảnh có Nghị quyết số 68-NQ/TW. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đánh giá lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển doanh nghiệp Nhà nước; cập nhật đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, bám sát các quy định quốc tế để xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp Nhà nước minh bạch, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

 Petrovietnam tập trung mở rộng thị trường các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Petrovietnam tập trung mở rộng thị trường các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Tiếp lửa" cho kinh tế tư nhân

Song song với việc nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, việc hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2030. Đây là một mục tiêu có ý nghĩa chiến lược, thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, con đường phía trước còn nhiều chông gai.

Cụ thể, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu lên thực trạng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. Bên cạnh đó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn đã tạo thêm áp lực đối với mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) chỉ ra việc chuyển đổi hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay thành doanh nghiệp là một "mỏ vàng" để gia tăng số lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này gặp không ít rào cản khiến nhiều hộ có quy mô hoạt động rất lớn nhưng vẫn chưa chính thức gia nhập khu vực doanh nghiệp do còn e ngại về chi phí, thủ tục và nghĩa vụ tài chính.

Việc chuyển đổi hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay thành doanh nghiệp là một "mỏ vàng" để gia tăng số lượng doanh nghiệp.

Vai trò của thể chế, pháp luật trong việc "cởi trói" cho kinh tế tư nhân cũng được Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhắc tới: "Thể chế pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, là điểm nghẽn của điểm nghẽn." Đại biểu do đó cần tiếp tục phải giải pháp để thể chế pháp luật trở thành "đột phá của đột phá."

Để “tiếp lửa” cho kinh tế tư nhân, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề xuất Nhà nước hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và ưu tiên cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê đất.

Ông cũng góp ý về quy định dành một phần diện tích khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho các đối tượng này và cho rằng cần linh hoạt hơn để tránh lãng phí. Việc tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai sạch, hạ tầng đồng bộ là rất cần thiết đồng thời các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường cần được đẩy mạnh. Đặc biệt cho các dự án xanh, tuần hoàn và doanh nghiệp ở vùng khó khăn. Theo ông, các chính sách hỗ trợ tài chính (như gói lãi suất 2%), ưu đãi thuế, phí cần được thiết kế riêng cho các dự án này…

 Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp tại Thái Bình tặng bông lúa giống mới cho Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp tại Thái Bình tặng bông lúa giống mới cho Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ Tài chính đã lồng ghép nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các đối tượng này. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo, và phối hợp chặt chẽ để đưa chính sách đến đúng đối tượng. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực tư nhân tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) là một giải pháp quan trọng để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận thách thức rất lớn trong bối cảnh sức cầu suy giảm, môi trường kinh doanh trong nước cũng còn gặp rất nhiều những khó khăn, thách thức. Theo đó, ông đề xuất 3 nhóm giải pháp chính là kiến tạo môi trường kinh doanh một cách thuận lợi, minh bạch và hiệu quả, tập trung tháo gỡ rào cản để gia nhập và hoạt động trên thị trường. Điều này bao gồm cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, cải cách điều kiện kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc về đầu tư, đất đai, xây dựng.

Về thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp, ông Thắng xác định 3 nguyên nhân chính chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cao hơn hộ kinh doanh; hộ kinh doanh chưa nắm rõ quy định, e ngại sổ sách kế toán và việc áp dụng thuế khoán là một "ưu đãi" khiến họ không muốn chuyển đổi.

Để giải quyết, Bộ trưởng đề xuất 4 nhóm giải pháp đột phá là rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, thu hẹp khoảng cách về quản trị, kế toán giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Theo ông, việc hoàn thiện quy định, hạ tầng để triển khai chính sách bãi bỏ thuế khoán từ 1/1/2026 được coi là giải pháp căn cơ. Ông cũng cam kết sẽ chuẩn bị đồng bộ về pháp lý, công nghệ, cung cấp miễn phí phần mềm, đẩy mạnh truyền thông, đào tạo. Ngoài ra, ông chia sẻ thêm về các chính sách hỗ trợ khi chuyển đổi, bao gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm, bãi bỏ lệ phí môn bài, cung cấp miễn phí nền tảng số, phần mềm kế toán…

 Công ty may TNG Thái Nguyên mỗi năm đạt doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Công ty may TNG Thái Nguyên mỗi năm đạt doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngoài ra, để kinh tế tư nhân thực sự lớn mạnh, cần có những chính sách về tiếp cận vốn bởi đây luôn là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận những hạn chế này và đưa ra các giải pháp mở rộng đối tượng cho vay; bổ sung chức năng, đa dạng hóa hoạt động của quỹ (tài trợ vốn ban đầu, đầu tư vào quỹ đầu tư mạo hiểm); đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng công nghệ; đa dạng hóa nguồn vốn cho quỹ; và nâng cao năng lực cán bộ quỹ.

Bên cạnh đó, việc khơi thông dòng vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, phát triển các kênh huy động vốn khác như thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư tư nhân cũng rất quan trọng. Ông Thắng cho biết Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức PPP với các điểm đáng chú ý như rút ngắn thời gian lập, thẩm định dự án; trao quyền chủ động cho cơ quan có thẩm quyền; Mở rộng trường hợp chỉ định thầu; giảm tiêu chí đánh giá nhà đầu tư...

"Trước đây, doanh nghiệp muốn làm dự án PPP phải tự bỏ 100% kinh phí. Hiện nay, nhiều dự án đã có Nhà nước tham gia và thậm chí tham gia đến 50-60%, chính vì như vậy khả năng tham gia của các doanh nghiệp nhỏ vào các lĩnh vực PPP là rất tốt," ông Thắng chia sẻ.

Về việc thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ đang được triển khai quyết liệt với 3 nhóm nhiệm vụ: Thể chế hóa ngay những vấn đề “đã chín, đã rõ,” lồng ghép vào các dự án luật đang sửa đổi và nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho những vấn đề cần thời gian đánh giá kỹ lưỡng.

"Trong kỳ họp lần thứ 10, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội sửa đổi toàn diện các luật còn lại liên quan đến doanh nghiệp," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin./.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân". (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân". (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/but-pha-tu-hai-tru-cot-cung-co-doanh-nghiep-nha-nuoc-tiep-lua-kinh-te-tu-nhan-post1048073.vnp