Bứt tốc giải phóng mặt bằng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Những ngày này, không khí tại địa phận các địa phương có tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) chạy qua nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được các địa phương, đơn vị liên quan đẩy nhanh tốc độ để thực hiện thành công 'Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP) (giai đoạn 1)'.

Nhiều hộ dân tiên phong hiến đất

Với chiều dài 121,06 km, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đi qua rất nhiều địa phương thuộc 2 tỉnh: Lạng Sơn và Cao Bằng. Trong đó, huyện Thạch An khoảng 21,55 km với diện tích 135,12 ha, có 662 hộ bị ảnh hưởng; huyện Quảng Hòa khoảng 19,8 km với diện tích 125,64 ha, có 496 hộ bị ảnh hưởng phải thu hồi đất. Điều đặc biệt là trước khi diễn ra lễ phát động Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB dự án, các hộ dân của 2 xóm: Bản Néng, xã Thụy Hùng và Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An) đều tự nguyện giao mặt bằng sớm hơn để nhà đầu tư thực hiện dự án.

Xã Đức Xuân (Thạch An) có 5 xóm hành chính với 518 hộ, 2.180 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc cùng sinh sống. Toàn xã còn 18,7% hộ nghèo, 9,6% hộ cận nghèo, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Tuyến cao tốc qua địa phận xã với chiều dài khoảng 6,893 km từ Km 51 + 800 đến Km 58 + 693 đi qua 4/5 xóm, ảnh hưởng đến 242 hộ dân, diện tích đất cần thu hồi khoảng 42,4 ha, trong đó, 28 hộ phải di dời nhà ở. Xác định công tác GPMB là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ trong toàn xã tổ chức phong trào cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác thực hiện chính sách, phương án bồi thường, sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đúng tiến độ. Quá trình thực hiện, các chi bộ mời những người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia vận động, thuyết phục.

Ngày 11/1/2024, Hội đồng GPMB huyện phối hợp với UBND xã tổ chức tuyên truyền công tác đền bù, GPMB dự án với hơn 200 hộ gia đình có đất bị thu hồi; thông tin quá trình triển khai dự án; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của người dân; tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của dự án với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; hướng dẫn, giải thích các chế độ chính sách của Nhà nước liên quan đến nội dung kiến nghị của các hộ dân... Qua vận động, tuyên truyền, 49 hộ dân của xóm Nà Tục trong diện thu hồi đất đều nhất trí cao giao ngay mặt bằng cho đơn vị thi công.

Bí thư chi bộ xóm Nà Tục Nông Văn Cảnh cho biết: Xóm có 115 hộ dân, 447 nhân khẩu với 6 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao và Mường cùng sinh sống. Khi thực hiện chủ trương xây dựng tuyến cao tốc, xóm có 49 hộ dân bị ảnh hưởng chủ yếu là đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Sau khi được các cấp chính quyền xã, xóm tuyên truyền về lợi ích của dự án, các hộ bị ảnh hưởng tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn tìm hiểu chính sách, kiểm đếm, cung cấp thông tin phục vụ cho việc bồi thường, hỗ trợ GPMB. Ngày 26/1/2024, 49/49 hộ dân bị ảnh hưởng của xóm đã ký giao mặt bằng cho liên danh nhà đầu tư để thực hiện dự án dù chưa nhận được tiền đền bù GPMB.

Là một trong những hộ thuộc diện thu hồi đất dự án, ông Lâm Văn Sòi, xóm Nà Dạ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) chia sẻ: Gia đình tôi cùng bà con trong xóm có đất bị thu hồi đồng tình, ủng hộ và nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước, của tỉnh trong việc phát triển giao thông, đầu tư xây dựng đường cao tốc. Chúng tôi luôn tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện tìm hiểu chính sách, kiểm đếm, cung cấp thông tin phục vụ cho việc bồi thường, hỗ trợ GPMB, sẵn sàng giao mặt bằng nhanh nhất có thể.

Lãnh đạo tỉnh tặng quà các hộ dân xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An) tự nguyện giao mặt bằng sớm để thực hiện dự án tuyến cao tốc.

Lãnh đạo tỉnh tặng quà các hộ dân xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An) tự nguyện giao mặt bằng sớm để thực hiện dự án tuyến cao tốc.

Đẩy nhanh công tác GPMB đúng và vượt tiến độ

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là công trình thuộc nhóm A với chiều dài toàn tuyến hơn 121 km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng xây dựng 93,35 km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Đây là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm hiện nay, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Để có mặt bằng sạch bàn giao kịp tiến độ cho liên danh nhà đầu tư đòi hỏi sự nỗ lực cả về tinh thần và trí tuệ của các cấp, các ngành trong thực hiện công tác GPMB. Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hướng dẫn các huyện, Thành phố tổ chức thực hiện và tham mưu UBND tỉnh xử lý những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Thực hiện tốt phương châm “khó khăn ở đâu giải quyết ở đó, khó khăn cấp nào cấp đó giải quyết” với tinh thần Chiến thắng Đông Khê, Chiến dịch Biên giới năm 1950 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật và thực tiễn, kinh nghiệm thành công của các dự án đã triển khai của các địa phương khác để kịp thời tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác GPMB. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, Bí thư Chi bộ, trưởng công an xã, trưởng xóm trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch theo quy định nhằm ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện GPMB, không để tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài. Chú trọng công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Các đơn vị, địa phương làm tốt công tác phát hiện các điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong việc di dời, bàn giao mặt bằng trước thời gian quy định; lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo, qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi góp phần thực hiện tốt công tác GPMB. Mục tiêu đặt ra đến ngày 7/5/2024, tỉnh hoàn thành bước cuối cùng của công tác GPMB. Thu hồi thành công khoảng 41,35 km với diện tích 260,76 ha, 1.131 hộ bị ảnh hưởng. Phấn đấu đến ngày 15/6/2024, hoàn thành toàn bộ bàn giao mặt bằng toàn tuyến giai đoạn 1 cho nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh thăm, động viên các hộ dân có đất bị thu hồi của xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An).

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh thăm, động viên các hộ dân có đất bị thu hồi của xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An).

“Lãnh đạo tỉnh sẽ cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương trực tiếp đến các xóm có đất bị thu hồi GPMB để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân; đối thoại, trao đổi trực tiếp, công khai minh bạch các quy định, chế độ chính sách của Nhà nước, phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi hiểu rõ, nắm chắc và tự giác thực hiện bàn giao mặt bằng sớm nhất có thể, hoàn thành “Chiến dịch Đông Khê năm 2024” đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh khẳng định.

Lam Giang

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/but-toc-giai-phong-mat-bang-cao-toc-dong-dang-tra-linh-3167344.html