Cà Mau: Thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Tỉnh Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, đặc biệt là tái cơ cấu ngành công thương và chuyển đổi số trong thương mại. Sở Công thương có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, từ bình ổn thị trường đến hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần gia tăng giá trị sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số, thương mại điện tử đang trở thành chìa khóa giúp các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Với trách nhiệm được giao, Sở Công thương tỉnh Cà Mau đã có những bước đi tiên phong trong việc phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương bắt nhịp với xu hướng hiện đại hóa.
Năm 2024, Sở Công thương đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh. Các chương trình này trang bị kiến thức nền tảng và kỹ năng thực hành để kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee. Đặc biệt, việc hướng dẫn sử dụng công cụ livestream trên các nền tảng này đã tạo ra sự đột phá trong cách quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Cụ thể, các sản phẩm OCOP đặc trưng của Cà Mau, như: tôm khô, bánh phồng tôm và ba khía đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận hàng chục ngàn khách hàng. Trong khuôn khổ chương trình "Ngày hội chuyển đổi số quốc gia", các phiên livestream đã đạt hơn 1.400 đơn hàng với tổng lượt xem vượt 300.000. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm Cà Mau trên thị trường cả nước.
Ngoài việc đào tạo kỹ năng trực tuyến, Sở Công thương cũng tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại lớn nhằm quảng bá sản phẩm Cà Mau đến các đối tác tiềm năng. Tại hội chợ "Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024", các sản phẩm OCOP như: tôm khô và mắm tôm đã thu hút sự chú ý lớn, với nhiều hợp đồng tiêu thụ dài hạn được ký kết. Ông Dương Vũ Nam - Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: "Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố sống còn trong việc phát triển kinh tế. Thương mại điện tử giúp chúng ta mở rộng thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững".
Trong những năm qua, các thành tựu đạt được trong việc triển khai thương mại điện tử đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt thông qua các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Để đảm bảo tính bền vững và lâu dài, Sở Công thương Cà Mau tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, không chỉ trong kinh doanh mà còn trong quản lý và vận hành kinh tế.
Cà Mau tiếp tục xây dựng chiến lược thương mại điện tử dài hạn, đặt trọng tâm vào việc phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện. Trong đó bao gồm việc tạo dựng các nền tảng trực tuyến dành riêng cho tỉnh, nơi các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh có thể quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả mà không phụ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng thương mại điện tử lớn. Các nền tảng này không chỉ cung cấp một kênh giao dịch mới mà còn tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương... Với những giải pháp này, Cà Mau không chỉ giữ vững thành tựu đã đạt được mà còn mở ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế địa phương.
Bình ổn thị trường Tết
Song song với việc thúc đẩy thương mại điện tử, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu lớn vào việc bình ổn thị trường và đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch dự trữ lượng lớn các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Cà Mau được ưu tiên nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Bên cạnh đó, các Đội Quản lý thị trường đã tăng cường giám sát giá cả và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý. Điều này giúp duy trì sự ổn định trên thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn cao điểm. Để đảm bảo nguồn cung đến được tay người tiêu dùng, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp. Đặc biệt các chuyến bán hàng lưu động đã được triển khai tại vùng sâu, vùng xa và các khu vực khó khăn. Những hoạt động này không chỉ mang hàng hóa thiết yếu đến gần hơn với người dân mà còn giúp giảm chi phí tiêu dùng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng, tỉnh cũng đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định trong dịp Tết. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được chỉ đạo dự trữ đầy đủ hàng hóa, trong khi ngành điện lực cũng lên kế hoạch dự phòng nhằm cung ứng điện liên tục cho sản xuất và sinh hoạt.
Trong thời gian tới, tỉnh cũng tập trung phát triển các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất địa phương; xây dựng các gói vay ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và dự trữ hàng hóa. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản và thủy sản vốn là thế mạnh của Cà Mau được chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng, đáp ứng cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, việc cải thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm địa phương. Ngoài ra, các chương trình tuyên truyền về tiêu dùng an toàn và ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận lớn từ cộng đồng.
Những giải pháp toàn diện của tỉnh Cà Mau trong năm 2024 đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từ thúc đẩy chuyển đổi số, thương mại điện tử đến bình ổn thị trường và đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó Cà Mau đang từng bước khẳng định vị thế là địa phương tiên phong trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Với những thành công hiện tại, tỉnh sẽ tiếp tục tận dụng các nguồn lực để vươn xa hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực ĐBSCL và cả nước.