Cà Mau tiến tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết, chuyển quân ra Bắc

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết, chuyển quân ra Bắc (1954 - 2024) tại Cà Mau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ngày 23/8, theo thông tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, đơn vị này vừa có công văn đề nghị các đơn vị cấp tỉnh và huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết, chuyển quân ra Bắc (1954 - 2024).

Cụm tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau.

Cụm tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau.

Sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt

Theo đó, tập trung tuyên truyền về bối cảnh tình hình, nhiệm vụ của chính quyền cách mạng trong 200 ngày thực hiện tập kết, chuyển quân ra Bắc tại tỉnh Cà Mau.

Đặc biệt về ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm về sự kiện tập kết, chuyển quân ra Bắc (1954 - 2024).

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau cho rằng, đẩy mạnh tuyên truyền tiến tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết, chuyển quân ra Bắc (1954 - 2024), nhằm nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của dân tộc.

Đồng thời, tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

"Từ đó, khắc sâu đạo lý uống nước nhớ nguồn, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn dân.

Cùng với đó, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta", ông Tiến nhấn mạnh.

200 ngày tập kết, chuyển quân

Theo Hiệp định Giơnevơ, quy định khu vực Nam Bộ có ba khu tập kết, trong đó, Cà Mau là khu tập kết 200 ngày của lực lượng kháng chiến Tây Nam Bộ gồm cả vùng giải phóng cũ và vùng ta mới tiếp quản như: thị trấn Cà Mau, Tắc Vân, Giá Rai, Hòa Bình và một số chợ khác...

Tháng 10/1954, tại căn cứ Chắc Băng (Cà Mau), huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Bạc Liêu. Đồng chí Lê Duẩn, Trưởng phái đoàn Trung ương tổ chức Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư Xứ ủy.

Tại Hội nghị, Xứ ủy Nam Bộ đề ra công tác công khai và nửa công khai; tổ chức và hoạt động của Đảng phải hết sức giữ bí mật, tổ chức và hoạt động của phong trào quần chúng, cần lợi dụng hình thức công khai.

Để chuẩn bị tinh thần kháng chiến lâu dài nên vấn đề xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị cho chiến lược cách mạng ở miền Nam là hết sức cần thiết, vì thế khi chuyến tàu tập kết cuối cùng chuẩn bị rời khỏi cửa sông Ông Đốc.

Trước ngày bàn giao khu tập kết, ta tổ chức cuộc mít tinh lớn tại thị trấn Cà Mau. Đồng chí Phạm Hùng, Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Đình chiến thay mặt cho những người con của Nam Bộ thành đồng phát biểu lời tạm biệt và dặn dò, hứa hẹn cùng nhau đấu tranh cho ngày Nam Bắc sum họp một nhà.

Đặc biệt, với hơn một vạn cán bộ chiến sĩ, đồng bào có mặt tại cuộc mít tinh bùi ngùi xúc động, không cầm được nước mắt và mỗi người tâm niệm là quyết tâm phấn đấu cho ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Đồng thời, một số đơn vị đi tập kết tỏa về vùng nông thôn bắc Cà Mau và nam Cà Mau để tạm biệt đồng bào, đồng chí.

Ngày 31/1/1955, cuộc tiễn đưa tập kết đầy lưu luyến diễn ra ở cửa sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời), người đi, người ở đều nguyện một lòng hoàn thành nhiệm vụ được Đảng phân công, hẹn ngày Bắc Nam sum họp, thống nhất Tổ quốc.

Đến ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối cùng rời bến vàm Ông Đốc cũng là thời điểm Đảng bộ và nhân dân Cà Mau bước vào cuộc chiến đấu mới.

Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy và đồng chí Võ Văn Kiệt công khai xuống tàu đi tập kết, nhưng sau đó hai đồng chí bí mật quay trở lại vùng đất Mũi Cà Mau trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam.

Chuyến tàu chuyển quân tập kết từ cửa Sông Đốc nhổ neo rời bến, hàng nghìn cánh tay vẫy chào tạm biệt đầy lưu luyến, kẻ ở người đi đều mang theo trong lòng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ vinh quang và tràn đầy hứa hẹn: Ngày mai Nam - Bắc sum họp, ngay sau đó nhân dân Cà Mau lại bước vào cuộc chiến đấu mới, với niềm tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.

Sự kiện 200 ngày thực hiện tập kết, chuyển quân tại Cà Mau, diễn ra không lâu, nhưng các hoạt động của chính quyền cách mạng rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là nghĩa tình "quân với dân như cá với nước".

Từ đó, uy tín và ảnh hưởng của cách mạng ngày càng sâu rộng, có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, vừa làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa để đập tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của Mỹ, Ngụy về cách mạng miền Nam Việt Nam.

Gia Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ca-mau-tien-toi-ky-niem-70-nam-su-kien-tap-ket-chuyen-quan-ra-bac-192240823184703692.htm