Cà Mau: Trợ giúp pháp lý đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân
Chiều 21/1, Sở Tư pháp Cà Mau tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá lại hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác trợ giúp pháp lý năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau, báo cáo kết quả công tác trợ giúp pháp lý năm 2024: “Trung tâm đã tiếp nhận, thụ lý thực hiện TGPL được 1.639 vụ việc, giảm 116 vụ so với năm 2023. Đồng thời, tham mưu Sở Tư pháp ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
Với kết quả thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hình thức tham gia tố tụng là 362 vụ việc. Trong đó, đạt chất lượng tốt 242/362 vụ việc, chiếm 66,85%; đạt chất lượng khá 119/362 vụ việc, chiếm 32,87%; đạt chất lượng 01/362 vụ việc, chiếm 0,27%.
Trung tâm cũng đã tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành ở mức đạt và vượt chỉ tiêu 100% nhiệm vụ công tác TGPL được giao. Cùng với đó, chủ động phối hợp triển khai các hoạt động TGPL đáp ứng 100% yêu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của người được TGPL trên địa bàn tỉnh; công tác phối hợp với các Cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác truyền thông pháp luật về TGPL bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân; hoạt động TGPL tại trụ sở được đạt hiệu quả; Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư thực hiện TGPL có ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tranh tụng. Đặc biệt, chất lượng tham gia tố tụng được đánh giá đạt chất lượng tốt, khá đạt 98,31%, không còn vụ việc bị đánh giá không đạt chất lượng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Bà Nguyễn Thị Thúy cho biết: “Trung tâm sẽ tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp quyết định giao nhiệm vụ trọng tâm công tác TGPL; tham mưu xây dựng và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính…
Trung tâm tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp với Tòa án về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án; Công an tỉnh về thực hiện TGPL trong điều tra hình sự; Kế hoạch liên ngành giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Sở Tư pháp và Sở Thông tin truyền thông về tổ chức phiên tòa trực tuyến…
Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025; thi hành Luật TGPL trên địa bàn tỉnh; chính sách TGPL cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022 – 2030; chính sách TGPL của các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Tiến sỹ Phạm Quốc Sử - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đề nghị Trung tâm cần xây dựng sự và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, Trung tâm cần tăng cường công tác phối hợp với Tòa án, Công an và chính quyền địa phương, nhằm đảm bảo thực hiện các nội dung trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định...
Theo Tiến sỹ Phạm Quốc Sử, Sở Tư pháp sẽ chủ động phối hợp với Tòa án tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động xét xử thông qua hình thức trực tuyến các vụ việc thuộc diện trợ giúp pháp lý. Song song đó, phối hợp với Đoàn luật sư tỉnh thực hiện việc thông tin và chuyển giao các vụ việc thuộc diện trợ giúp pháp lý cho Trung tâm thực hiện, đảm bảo cho người được thụ hưởng chính chính nhân văn này.
Dịp này, có 1 tập thể và 14 cá nhân (trong đó có 3 cá nhân là luật sư) được Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác trợ giúp pháp lý; 22 cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” năm 2024. Đặc biệt, ông Ngô Đức Bính - Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 - 2024.