'Cả nước hiện có 6.550 hồ thủy lợi, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất lớn'

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết hiện nay cả nước có hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất cao, nếu sửa chữa, nâng cấp và cải tạo cần nguồn nhân lực rất lớn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường diễn ra sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh trên cả nước hiện có 6.550 hồ thủy lợi với hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu. Do đó, nguy cơ về an toàn hồ đập là rất lớn.

Nêu ý kiến tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo (Đoàn tỉnh Thái Nguyên) cho hay trên cả nước hiện có khoảng trên 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, trong đó có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ.

Theo đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo, phần lớn các công trình trên hồ thủy lợi trên được xây dựng từ những năm 1970-1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, thiếu kinh phí bảo trì…

Vì thế, vị đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như ngành tài nguyên và môi trường sẽ có giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Liên quan đến nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết trong số 6.550 hồ thủy lợi trên cả nước hiện nay, có hơn 1.000 hồ đã được xây dựng từ lâu, do đó nguy cơ về an toàn hồ đập là rất lớn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thì “Nếu sửa chữa, nâng cấp và cải tạo thì cũng cần nguồn nhân lực rất lớn.”

Để giải quyết thách thức trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thời gian qua, Luật Tài nguyên Nước đã được Quốc hội thông qua. Trong đó luật đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương phối hợp với nhau để điều hòa, phân phối nguồn nước cũng như đưa ra các kịch bản nguồn nước để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; đặc biệt là đối với các địa phương nắng nóng như miền Trung để giảm tình trạng hạn hán.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ đập để đảm bảo việc giữ nước, tích trữ nước, đảm bảo sản xuất bền vững, đảm bảo điều hòa và nhu cầu sản xuất…

Về giải pháp thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước theo đề xuất của đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (đoàn tỉnh Điện Biên), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết thời gian qua, Việt Nam rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi để tích trữ nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang rà soát những nơi có đủ điều kiện để xây dựng các hồ đập, hồ thủy lợi.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng lưu ý việc tích trữ nước phải gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước. “Bên cạnh đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các hồ thủy lợi, hồ đập cũng phải gắn với đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, hệ sinh thái,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Về đề nghị làm rõ thực trạng, giải pháp ngăn chặn tình trạng công trình thủy điện chưa đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (đoàn tỉnh Lạng Sơn), Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh hiện nay, các thủy điện đều phải chấp hành quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu để duy trì sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các thủy điện ở vùng cao.

Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, cơ quan này đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về bộ để theo dõi, giám sát, quản lý.

Hiện nay, trên cả nước đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu, cơ quan này sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định.

“Thời gian tới, bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ca-nuoc-hien-co-6550-ho-thuy-loi-nguy-co-ve-an-toan-ho-dap-la-rat-lon-post957155.vnp