Cà phê trong tranh Van Gogh

Không chỉ thích cà phê, Van Gogh còn biến loại thức uống này trở thành điểm nhấn của bức tranh tĩnh vật nổi tiếng của mình.

Một trong những thú vui của Vincent Van Gogh là hút tẩu và uống cà phê. Điều này giải thích cho hình ảnh ấm pha cà phê xuất hiện nổi bật trong bức tranh tĩnh vật ông mô tả căn bếp Yellow House – ngôi nhà màu vàng nổi tiếng, nơi danh họa sống trong những năm 1888-1889, cho đến khi xảy ra biến cố tự cắt tai.

Sự ra đời của bức tranh tĩnh vật nổi tiếng

Danh họa người Hà Lan mua chiếc ấm pha cà phê vài ngày trước để trang bị cho ngôi nhà mới thuê ở Arles có tên Yellow House (Nhà Vàng). Bức Still life with Coffee Pot được vẽ vào ngày 16-17/5/1888. Đó là hai ngày trời mưa khiến Van Gogh không thể ra ngoài.

Bức tranh "Still life with Coffee Pot" của danh họa Vincent Van Gogh với điểm nhấn là ấm pha cà phê. Ảnh: Wikimedia.

Bức tranh "Still life with Coffee Pot" của danh họa Vincent Van Gogh với điểm nhấn là ấm pha cà phê. Ảnh: Wikimedia.

Với Yellow House, ông có một ngôi nhà xứng đáng sau nhiều năm sống trong những căn hộ chung hoặc phòng trọ khiêm tốn.

Viết thư cho em trai Theo vào ngày 10/5/1888, Van Gogh kể đã mua những thứ cần thiết để pha một ít cà phê hoặc nước dùng ở nhà, cùng 2 chiếc ghế và một chiếc bàn. Có lẽ chính trên chiếc bàn này, Van Gogh tập hợp các đồ vật để vẽ Still life with Coffee Pot.

Cà phê đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của Vincent. Một tháng sau khi hoàn thành bức tranh, ông viết thư cho em gái Wil, thừa nhận đã uống "một lượng lớn cà phê dở tệ" và tận hưởng "tác dụng kích thích" của nó.

Trao đổi với Theo, Van Gogh đề cập đến tầm quan trọng của “một điếu thuốc tẩu hoặc cà phê đen với rượu cognac”. Cuối năm đó, ông nói với người bạn Emile Bernard – một họa sĩ Paris - rằng nên “hút tẩu và uống cà phê trong yên bình” để vẽ đẹp.

Van Gogh sử dụng nhà bếp ở tầng trệt phía sau Yellow House làm xưởng vẽ. Những đồ vật xuất hiện trong bức Still life with Coffee Pot đều là vật dụng hàng ngày. Bên cạnh ấm cà phê còn có một bình sữa sơn ca-rô màu xanh trắng, được nhà sử học nghệ thuật Alexandra van Dongen xác định là một tác phẩm cuối thế kỷ 19 của nhà máy Sarreguemines.

Hai tách cà phê xuất hiện trong bức tranh, cho thấy có thể một vị khách đang đến. Chiếc màu xanh hoàng gia bên trái có viền vàng. Chiếc cốc được vẽ hoa văn nằm ở bên phải, đặt trên chiếc đĩa đất nung màu cam, một loại đồ thời trang cuối thế kỷ 19 cùng với chiếc bình lớn ở bên phải. Hai quả cam và 3 quả chanh hoàn thiện cho bố cục của bức tranh.

Một phiên bản khác

Một bình cà phê hơi khác xuất hiện trong bức tranh The Blue Coffee Pot của Bernard, bạn đồng nghiệp gắn bó cùng Van Gogh khi ông đến làm việc tại Paris. Vào tháng 6/1888, Van Gogh gửi cho Bernard bản phác thảo bức Still life with Coffee Pot với các ký hiệu màu sắc, điều này có thể truyền cảm hứng cho người bạn tạo ra phiên bản của riêng mình.

Bản phác thảo với chú thích màu sắc của bức tranh được Vincent Van Gogh gửi cho Bernard. Ảnh: Vincent van Gogh Foundation.

Bản phác thảo với chú thích màu sắc của bức tranh được Vincent Van Gogh gửi cho Bernard. Ảnh: Vincent van Gogh Foundation.

Tuy nhiên, có vẻ như bức tranh tĩnh vật của Bernard được thực hiện vài tháng trước đó và Van Gogh đã nhìn thấy nó ở Paris, ngay trước khi ông khởi hành đến Provence. Nếu vậy, bức phác thảo nhỏ của Van Gogh thừa nhận ông lấy cảm hứng từ chính sáng tạo của Bernard.

Nền màu vàng trong tranh tĩnh vật của Van Gogh cho thấy có thể ông vẽ bức tường của Yellow House, nhưng đây là màu của ngoại thất. Bên trong ngôi nhà được quét vôi trắng. Nhiều khả năng Van Gogh cố tình sử dụng màu vàng để tương phản với màu của khăn trải bàn.

Khăn trải bàn trong tranh của Van Gogh ban đầu có màu xanh lam đậm, nhưng chất màu giờ đã nhạt dần thành màu trắng. Như danh họa giải thích với Bernard, Still life with Coffee Pot thể hiện một “biến thể của màu xanh lam được làm sống động bởi một loạt các màu từ vàng cho đến cam”.

Điều độc đáo trong tác phẩm của Van Gogh là đường viền màu cam được ông vẽ xung quanh bức tranh và sau đó là khung “giả” màu trắng ở bên ngoài. Khi đặt đối diện với bức tường quét vôi trắng, điều này có tác dụng dung hòa bức tranh với kiến trúc xung quanh. Rất có thể khi hoàn thành Still life with Coffee Pot, Van Gogh đã lập tức treo tác phẩm trong bếp của mình.

Van Gogh hài lòng với Still life with Coffee Pot và ký tên “Vincent” màu đỏ nổi bật ở góc trên bên trái. Cùng với The Harvest (tháng 6/1888), danh họa tự đánh giá rằng tĩnh vật “hoàn toàn giết chết tất cả phần còn lại” trong các tác phẩm tại Arles của ông.

Năm 1972, Still life with Coffee Pot được ông bà Basil và Elise Goulandris mua lại. Basil là một chủ tàu người Hy Lạp, qua đời năm 1994. Đến năm 2000 vợ ông cũng mất. Bức tranh hiện thuộc sở hữu của quỹ tín thác gia đình. Bảo tàng của họ, do Basil & Elise Goulandris Foundation điều hành, khai trương tại Athens vào năm 2019, với điểm nhấn là bức tranh tĩnh vật nổi tiếng của Vincent Van Gogh.

Nguyễn Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ca-phe-trong-tranh-van-gogh-2286282.html