Cà phê xứ lạnh giúp 'ấm lòng' dân

Cây cà phê xứ lạnh đang dần khẳng định vai trò là cây trồng chủ lực tại vùng Đông Trường Sơn (phía tây tỉnh Quảng Ngãi mới). Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, loại cây này góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho đồng bào nơi đây.

Khu vực Đông Trường Sơn, đặc biệt các xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông (cũ), sở hữu điều kiện tự nhiên rất đặc trưng như địa hình chia cắt, đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu quanh năm mát mẻ. Đây là yếu tố thuận lợi để phát triển cà phê xứ lạnh, nhất là những giống có năng suất cao, chất lượng tốt như THA1, TN1, TN2...

Nhận thấy tiềm năng đó, người dân tại các xã Măng Đen, Măng Bút, Kon Plông, Măng Ri, Tu Mơ Rông, Ngọc Linh, Đăk Plô... đã tập trung mở rộng diện tích trồng cà phê. Chính quyền các địa phương cũng chủ động lồng ghép nguồn lực từ ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân. Hàng loạt chính sách thiết thực được triển khai như cấp giống chất lượng cao, hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật, cũng như cho vay vốn tín dụng ưu đãi.

Tính đến hết năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, diện tích trồng mới cà phê xứ lạnh toàn vùng đạt hơn 900ha, nâng tổng diện tích lên gần 5.000ha. Trong đó, huyện Tu Mơ Rông (cũ) đi đầu với 2.114ha, hình thành nhiều vùng trồng tập trung, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp và giảm nghèo bền vững. Các xã như Măng Ri, Đăk Sao, Đăk Tờ Kan, Tu Mơ Rông đã phát huy tốt lợi thế này, hình thành những vùng trồng cà phê tập trung, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp địa phương và giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Cây cà phê xứ lạnh đang giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Cây cà phê xứ lạnh đang giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Tiêu biểu như gia đình ông A Chen, ở thôn Chung Tam, xã Măng Ri, đã mạnh dạn vay vốn mở rộng diện tích lên hơn 1ha cà phê xứ lạnh. “Nhờ cà phê xứ lạnh, gia đình tôi có thu nhập ổn định, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền và có điều kiện cho con cái học hành”, ông A Chen chia sẻ đầy phấn khởi.

Bí thư Đảng ủy xã Tu Mơ Rông, ông Võ Trung Mạnh cho biết, cà phê xứ lạnh cho quả bói sau 3 năm, năng suất khoảng 1,5 - 2 tấn nhân khô/ha (tương đương 7,5 - 10 tấn cà phê tươi/ha), sau khi trừ chi phí sản xuất mang lại lợi nhuận 60 - 80 triệu đồng/ha/năm. Đây là cây trồng phù hợp với điều kiện lao động và tập quán canh tác của người dân.

Không chỉ các xã thuộc huyện Tu Mơ Rông (cũ), mà nhiều xã ở huyện Đăk Glei (cũ) và Kon Plông (cũ) cũng đẩy mạnh phát triển cà phê xứ lạnh. Hiện nay, huyện Kon Plông (cũ) đã có gần 1.000ha, chủ yếu ở các xã Măng Bút, Măng Đen, Kon Plông, Đăk Long. Tại huyện Đăk Glei (cũ), diện tích cà phê xứ lạnh đạt gần 1.500ha, tập trung tại các xã Ngọc Linh, Đăk Plô, Xốp, Đăk Pek, Đăk Môn...

Để phát triển bền vững, các địa phương đang từng bước quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng hàng hóa. Đồng thời, chính quyền tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tạo niềm tin để người dân yên tâm sản xuất.

Cà phê xứ lạnh không chỉ góp phần thay đổi tư duy canh tác của nông dân, mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp vùng cao. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, ngành chức năng cùng sự đồng lòng của người dân, vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Quảng Ngãi đang dần hình thành vùng nguyên liệu cà phê xứ lạnh có thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Đây không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển nông nghiệp bền vững mà còn minh chứng rõ nét cho hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

Bài, ảnh: VĂN PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/ca-phe-xu-lanh-giup-am-long-dan-54294.htm