Ca sĩ Thanh Duy học hát trống quân truyền thống tại Hưng Yên
Ca sĩ Thanh Duy tích cực học hát trống quân cùng các nghệ nhân địa phương trong hành trình ghi hình chương trình Về quê làm giàu tại tỉnh Hưng Yên.
Sáng ngày 17/2, ekip chương trình "Về quê làm giàu" chính thức ghi hình tại tỉnh Hưng Yên. MC Quyền Linh, diễn viên Long Vũ và diễn viên Thu Hà Ceri là "bộ sậu" trong dàn cast chính thức của gameshow truyền hình thực tế này. Trong khi đó nam ca sĩ Thanh Duy góp mặt với vai trò khách mời trong chặng hành trình khám phá tỉnh Hưng Yên.
Các nghệ sĩ mặc trang phục Áo dài truyền thống, có mặt tại Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Tại đây, họ được trải nghiệm Ngày hội văn hóa dân gian Phố Hiến, lễ hội nổi tiếng của địa phương với những hoạt động văn hóa đặc sắc như rước nước, múa rồng, múa lân, trò chơi dân gian...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_603_51502611/ba50af4c82026b5c3213.jpg)
![Một hình ảnh hậu trường ghi hình chương trình "Về quê làm giàu" tại tỉnh Hưng Yên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_603_51502611/c79dd081fdcf14914dde.jpg)
Một hình ảnh hậu trường ghi hình chương trình "Về quê làm giàu" tại tỉnh Hưng Yên.
Đáng chú ý, ca sĩ Thanh Duy có màn học hát trống quân cực nhanh, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân địa phương.
Hát trống quân là lối hát đối đáp giao duyên, thuộc loại hình diễn xướng, mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu âm nhạc, vừa tinh tế trong sử dụng ngôn từ câu chữ. Hát trống quân gắn liền với sinh hoạt cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử của người dân Hưng Yên.
Ca sĩ Thanh Duy bắt nhịp nhanh với lối hát trống quân qua sự hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Hẳn - Chủ nhiệm CLB quan họ trống quân Dạ Trạch và các nghệ nhân địa phương, khi thể hiện điệu hát "Thách cưới".
Chất giọng ngọt ngào, mượt mà, luyến láy theo đúng nhịp hát trống quân và thuộc lời rất nhanh giúp Thanh Duy nhận được nhiều lời khen. Nam ca sĩ cũng rất tập trung với việc học hỏi lối hát trống quân, nếu có gì chưa đúng nhịp, Thanh Duy lập tức hỏi lại để chỉnh sửa, sao cho thể hiện đúng tinh thần của lối hát truyền thống này nhất.
![Ca sĩ Thanh Duy tích cực học hát trống quân, điệu hát truyền thống lâu đời tại Hưng Yên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_603_51502611/99958a89a7c74e9917d6.jpg)
Ca sĩ Thanh Duy tích cực học hát trống quân, điệu hát truyền thống lâu đời tại Hưng Yên.
Theo sử sách ghi lại, hát trống quân có quá trình hình thành và phát triển từ thời Triệu Việt Vương, khi đánh thắng quân nhà Lương tại đầm Dạ Trạch. Đi liền với những sự kiện chống ngoại xâm của dân tộc, hát trống quân ở Dạ Trạch còn gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung, gắn với Lễ hội Chử Đồng Tử.
Theo truyền thuyết được kể lại, vào đời Vua Hùng thứ 3, Công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có mối duyên với chàng trai nghèo tên Chử Đồng Tử. Cả hai sau khi nên duyên vợ chồng đã cùng người dân cải tạo vùng lau sậy bạt ngàn và bãi cát hoang thành làng quê trù phú.
Công chúa Tiên Dung dạy người dân trồng lúa, ươm tơ dệt vải và cả điệu hát trống quân. Ngày nay có đền thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung Công chúa tại Hưng Yên, đồng thời người dân tổ chức lễ hội vào ngày 10/2 âm lịch. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức hát trống quân, thu hút du khách nhiều nơi ghé thăm.
![MC Quyền Linh đồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_603_51502611/9eb193adbee357bd0ef2.jpg)
MC Quyền Linh đồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ.
Ông Nguyễn Văn Hẳn - Chủ nhiệm CLB quan họ trống quân Dạ Trạch cho biết cách đánh nhạc cụ khi hát trống quân khá đặc biệt. Người đánh dùng dùi đánh vào dây mây, dây mây rung lên chạm vào mặt thùng gỗ phát ra âm thanh. Âm thanh sau đó được khuếch đại qua cái hố đất, vì thế người dân địa phương còn gọi trống quân là trống đất.
Khi hát trống quân, các nghệ nhân nữ mặc trang phục mớ ba, mớ bảy rực rỡ còn nghệ nhân nam mặc áo the, khăn xếp hoặc bộ quần áo màu nâu. Đàn bầu, đàn nhị, sáo cũng là những nhạc cụ xuất hiện trong một buổi hát trống quân.
"Ngày xưa các cụ đơn giản lắm, không có nhạc lý gì cả, chỉ có thanh gỗ, kê tre lên rồi úp cái trống xuống. Nếu muốn có tiếng âm nữa thì đổ vỏ ốc xuống, đánh vào dây thì mới thùng thình. Cuối cùng tiếng trống truyền dây xuống mặt trống, xuống đất rồi chuyển lên, người ta gọi là âm dương hòa hợp. Trống không phải là trống mà đàn không phải là đàn" - Nghệ nhân hát trống quân chia sẻ.
Hát trống quân Dạ Trạch thì luôn luôn có một giọng nam và giọng nữ riêng, chứ không hát chung một giọng. Khi nhạc công lấy hơi được, người diễn lấy hơi cũng rất dễ. Nếu hiểu về trống quân không được sâu thì khi lấy hơi vào sẽ bị lệch.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_603_51502611/b291be8d93c37a9d23d2.jpg)
![Trống quân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_603_51502611/3cd433c81e86f7d8ae97.jpg)
Trống quân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trống quân từng có thời gian thịnh rồi suy, đến khoảng năm 1994 thì được "hồi sinh" mạnh mẽ. Năm 2016, hát trống quân được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Hưng Yên cũng tích cực giữ gìn và phát huy giá trị đặc sắc, tốt đẹp trong lối hát trống quân, nâng cao nhận thức, lòng tự hào về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trống quân trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 6 nghệ nhân hát trống quân đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Những hình ảnh, nội dung đặc sản trong hành trình khám phá văn hóa, sản vật địa phương tại tỉnh Hưng Yên của các nghệ sĩ sẽ lên sóng trong gameshow "Về quê làm giàu". Chương trình dự kiến lên sóng vào lúc 20h tối thứ 7 hàng tuần, trên kênh HTV7, bắt đầu từ ngày 29/3/2025.