Cá tầm ngoại hại cá tầm nội

Nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam được hình thành hơn 10 năm qua, hiện đang phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Lào Cai, Hòa Bình... Tuy nhiên, thời gian gần đây, cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu ồ ạt, giá bán thấp đã khiến người nuôi cá tầm trong nước gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn về kinh tế.

Cán bộ Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn kiểm tra các lô hàng cá tầm nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Cán bộ Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn kiểm tra các lô hàng cá tầm nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam được hình thành hơn 10 năm qua, hiện đang phát triển mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Lào Cai, Hòa Bình... Tuy nhiên, thời gian gần đây, cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu ồ ạt, giá bán thấp đã khiến người nuôi cá tầm trong nước gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo Cục Hải quan Lào Cai, từ đầu năm đến nay, số lượng cá tầm nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: cả năm 2020 nhập 115 tấn, trị giá 512.950 USD, nhưng từ ngày 1-1 đến 9-3-2021, số lượng nhập khẩu đã là 174 tấn, trị giá 813.266 USD.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), năm 2020 đã nhập khẩu 309 lô, với hơn 1.628 tấn cá tầm. Riêng từ ngày 1-1 đến 13-3-2021, cửa khẩu thực hiện mở 89 tờ khai nhập hơn 690 tấn cá tầm, cho sáu doanh nghiệp nhập khẩu. Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường khẳng định, Cục luôn phối hợp với cơ quan hải quan, kiểm dịch động vật vùng Lạng Sơn, kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ tất cả các lô hàng cá tầm nhập qua cửa khẩu. Qua kiểm tra chưa phát hiện lô hàng cá tầm không được phép nhập khẩu, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu cá tầm đều nhập khẩu đúng chủng loại cá tầm cho phép nhập khẩu.

Đó chỉ là con số chính thức về lượng cá tầm nhập khẩu tại một số cửa khẩu chính, chưa kể đến việc có thể có một lượng lớn cá tầm được nhập lậu qua đường tiểu ngạch không được kiểm soát, khiến thời gian gần đây, cá tầm giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan trên thị trường. Việc cá tầm Trung Quốc nhập khẩu tăng đột biến gần đây đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau cho thị trường, trong đó, đáng lo ngại là nó đã gây nên những sức ép, thiệt hại không nhỏ cho các cơ sở nuôi trồng cá tầm trong nước. Theo Chủ tịch Hiệp hội cá nước lạnh Lào Cai Nguyễn Thanh Hải, hiện Hiệp hội có hơn 250 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tổng sản lượng hơn 1.000 tấn/năm, trong đó cá hồi khoảng 300 tấn còn lại là cá tầm. Dự kiến năm 2021 sản lượng cá tầm đạt hơn 1.000 tấn. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, cá thương phẩm của hiệp hội tiêu thụ rất tốt, có những thời điểm cung không đủ cầu. Giá bán sỉ cá tầm khoảng 160.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gần đây, lượng lớn cá nhập lậu vào thị trường khiến lượng cá tồn trong các thành viên hiệp hội hiện lên tới hơn 600 tấn, giá bán giảm mạnh còn 120.000 đồng/kg.

Giá bán thấp và lượng tồn kho nhiều gây nên thiệt hại lớn cho người nuôi cá như: tiêu tốn nhiều thức ăn để duy trì đàn cá, chậm quay vòng và giá thấp ảnh hưởng tới thanh khoản vay vốn ngân hàng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thí dụ như cơ sở nuôi của ông Vũ Văn Cảnh ở TP Lào Cai có quy mô nuôi 300 tấn/năm, hiện còn tồn hơn 100 tấn cá tầm thương phẩm. Tương tự, cơ sở của ông Trần Xuân Hà có quy mô nuôi 300 tấn/năm hiện cũng tồn tới hơn 200 tấn. Với hai cơ sở nuôi lớn này, ước tính mỗi cơ sở thiệt hại hơn 5 tỷ đồng trong năm qua do ảnh hưởng cá tầm nhập khẩu.

“Trong những năm qua, nghề nuôi cá tầm đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào miền núi nơi mà rất nhiều khó khăn. Chúng ta phải chấp nhận việc hội nhập kinh tế, phải có sự cạnh tranh , tuy nhiên cạnh tranh phải thật sự bình đẳng, đúng pháp luật. Không thể để tình trạng cá tầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường, gây sức ép với cá tầm nuôi trong nước. Mong các cơ quan chức năng làm chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát khâu nhập khẩu cũng như đưa hàng ra thị trường”, ông Nguyễn Thanh Hải nói. Tổng Thư ký Hiệp hội cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hào cho biết: Cá tầm nuôi trong nước kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng thức ăn, đặc biệt trong thức ăn nuôi cá không có chất cấm, chất kích thích. Còn cá tầm nhập lậu sử dụng nhiều cám tăng trọng, chất kích thích tăng trưởng cho nên khi nấu lên thịt nhão, ra nước nhiều, quan trọng nhất là chất lượng khó được kiểm soát. Cá tầm nhập khẩu bán với giá chỉ khoảng từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 30% so với giá cá tầm nuôi trong nước.

Theo ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế và Nuôi trồng thủy sản bền vững, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua cá rẻ của Trung Quốc nếu như trên thị trường ghi rõ ràng đó là cá nuôi tại Trung Quốc, chứ không thể mập mờ nguồn gốc, xuất xứ như hiện nay khiến người tiêu dùng bị đánh lừa. Cá tầm đưa về Việt Nam là cá sống cho nên nguy cơ dịch bệnh, rủi ro rất cao, nhất là cá nhập khẩu tiểu ngạch, cho nên chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có văn bản gửi một số bộ, ngành và địa phương, yêu cầu tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam bảo đảm đúng pháp luật. Đề nghị các bộ, ngành, lực lượng chức năng như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Kiểm dịch... phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người nuôi cá tầm trong nước.

Bài, ảnh: Việt Tâm và Hồng Tráng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ca-tam-ngoai-hai-ca-tam-noi-640012/