Các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất những giải pháp 'xanh hóa' vùng đồng bằng sông Cửu Long
Muốn hiện thực hóa được kinh tế xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần tập trung nghiên cứu và áp dụng các công nghệ cao, công nghệ mới để phục vụ và triển khai thực thi cho các lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu cho kinh tế xanh. Song song với đó, cần các chính sách tạo đòn bẩy về ưu đãi thuế, vốn vay, kết nối thị trường để khuyến khích và có giải pháp quản lý xanh một cách có hiệu quả. Đây là nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) tại Phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Starup lần II năm 2024.
Ông Peter Johnson, chuyên gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho rằng, xu hướng toàn cầu và các giải pháp thích ứng là nguồn cảm hứng quan trọng để đổi mới trong nông nghiệp xanh. Hệ thống sản xuất thực phẩm hiện chiếm khoảng 1/3 lượng phát thải toàn cầu, trong khi nông nghiệp, công nghiệp gây thoái hóa đất, phá rừng và mất đa dạng sinh học.
Để giảm bớt những áp lực kể trên, ông Johnson đề xuất các công ty khởi nghiệp và nhà đổi mới tìm ra những cách thức mới để sản xuất thực phẩm, nguyên liệu. Đơn cử như hình thành hệ thống canh tác hướng đến bền vững, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng các DN nên chuyển sang nông nghiệp xanh trên toàn cầu, các hợp phần trong hệ thống này phụ thuộc vào các yếu tố: hiệu quả chi phí (nông nghiệp chính xác); điều kiện khí hậu thay đổi (suy giảm năng suất); suy thoái tài nguyên nông nghiệp; nhu cầu thị trường...
Trong lĩnh vực du lịch xanh, ông Nguyễn Ngọc Bích - Chủ tịch Rustic Hospitality, chuyên gia đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Helvetas (Thụy Sĩ), nhấn mạnh, tăng cường hợp tác công - tư cần tạo môi trường để cơ quan nhà nước, DN, cộng đồng và startup phối hợp triển khai các sáng kiến, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để quản lý và nâng cao trải nghiệm du lịch xanh; chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ DN đầu tư vào du lịch xanh; giáo dục người dân địa phương và du khách về lợi ích bền vững của du lịch xanh.
Đồng quan điểm tìm giải pháp lĩnh vực du lịch xanh, ông Trần Thanh Hùng - chủ điểm homestay, nhà hàng, bến tàu khách du lịch Hoa & Ếch, chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch (TP Sa Đéc) cho rằng, cụm từ “du lịch xanh” được hiện thực hóa rất cần sự hợp tác của các bên, từ Bộ, ngành, Trung ương, cấp địa phương, DN, cơ sở du lịch và cộng đồng dân cư. Tất cả cùng chung tay xây dựng kịch bản cụ thể cho quá trình thực thi. Bên cạnh đó, cần có các chính sách tạo đòn bẩy về ưu đãi thuế, vốn vay, kết nối thị trường... để tạo đà cho các DN và hộ dân đi đầu, chứng minh giá trị của du lịch xanh từ đó sẽ thu hút nhiều hơn cộng đồng cùng tham gia.
Giáo sư Phan Văn Trường, chuyên gia đàm phán quốc tế, kêu gọi gắn kết các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa vào mô hình kinh tế xanh và nhấn mạnh vai trò của tham tán thương mại trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và mở rộng thị trường cho startup. Giáo sư cũng đề xuất Chính phủ cần xây dựng hệ thống cung cấp đầy đủ dữ liệu về DN và sản phẩm địa phương, giúp kết nối hiệu quả với thị trường quốc tế. Ông cũng chỉ ra rằng, truyền thống gia đình và văn hóa miền Tây Nam Bộ đôi khi là rào cản trong việc tiếp cận bạn bè quốc tế. Việc kết nối truyền thống với kỳ vọng thị trường sẽ giúp các DN địa phương tạo ra sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhu cầu khách hàng quốc tế.
Về vấn đề giảm phát thải carbon, ông Vũ Chí Công - Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon (thuộc Tập đoàn VinaCapital) cho rằng, ĐBSCL có tiềm năng lớn nhờ sở hữu 750km đường bờ biển, 12 triệu tấn trấu, tấn rơm rạ thải ra hàng năm. Khu vực này có nhiều tiềm năng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, phân bón hữu cơ, lúa gạo. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư của VinaCarbon vẫn chưa đạt kỳ vọng. Từ đó, ông nêu kiến nghị, cần phát triển dự án lớn, thu hút đầu tư lớn, thúc đẩy startup “thực hiện hóa ước mơ”; xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến tín chỉ carbon, dự án rừng và sử dụng đất; khuyến khích các startup lớn, lâu dài và bền vững với tư duy “nghĩ lớn, làm lớn”...
Cũng theo các đại biểu, ĐBSCL cần ưu tiên đào tạo đội ngũ nhân lực có hiểu biết và kỹ năng về chuyển đổi xanh. Đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy không chỉ ngành du lịch mà còn nhiều ngành kinh tế khác.
Có thể thấy rằng, kinh tế xanh là một mục tiêu quan trọng và cấp bách đối với ĐBSCL. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Mekong Startup đã mở ra một hướng đi mới, tạo ra một nền tảng để các startup, nhà đầu tư và các chuyên gia cùng nhau hợp tác, xây dựng một tương lai xanh cho vùng...