Các chuyên gia 'hiến kế' để xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng phục vụ xuất khẩu
Ngày 21/7, tại Diễn đàn 'Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam' do Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức. Nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học đã 'hiến kế' để Đồng Nai sớm xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng phục vụ xuất khẩu để tạo thương hiệu và cạnh tranh bền vững trên thị trường quốc tế.
Theo số liệu, hiện nay diện tích sầu riêng cả nước khoảng 110.300ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng 849.100ha, trong đó, diện tích sầu riêng của tỉnh Đồng Nai khoảng 11.400ha với sản lượng khoảng 70.000 tấn, đứng thứ tư cả nước về diện tích sau Đắk Lắk, Lâm Đồng, Tiền Giang.
Sầu riêng trồng tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc, thành phố Long Khánh với các loại giống Ri6 (chiếm 45% diện tích), Dona (chiếm 50% diện tích).
Ngày 16/6, Đồng Nai chính thức xuất khẩu 360 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc là thành công bước đầu đối với mặt hàng sầu riêng tại thị trường tỷ dân, trong tương lai sẽ mở rộng ra thị trường nhiều nước khác. Do vậy, việc xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng phục vụ xuất khẩu sẽ là hướng đi cần thiết để xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung đối với quốc tế.
Thời gian qua người nông dân trồng sầu riêng trên một số loại đất chưa phù hợp cho cây sầu riêng như đất sét nặng, đất nhiễm phèn nên ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định.
Nông dân thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng khi chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng sầu riêng và đa số mua cây giống sầu riêng trôi nổi, không rõ nguồn gốc nên không đảm bảo chất lượng.
Các đại biểu dự diễn đàn “hiến kế”, Đồng Nai cần xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế biến; quy hoạch toàn diện vùng trồng cây ăn quả tập trung, trong đó có cây sầu riêng và phát triển thành vùng chuyên canh để thuận lợi cho sản xuất áp dụng cơ giới hóa và tiêu thụ sản phẩm, phục vụ xuất khẩu.
Theo GS TS Trần Văn Hâu (nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ) nhận định, Thái Lan là đối thủ trực tiếp về mặt hàng sầu riêng của Việt Nam với những chính sách được hậu thuẫn tốt và để cạnh tranh, người trồng sầu riêng cần xử lý ra hoa trong khoảng tháng 11 đến tháng 3 hằng năm để có sản phẩm bán ra thị trường, tạo thương hiệu cho cây sầu riêng Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trồng cây sầu riêng để tỉnh Đồng Nai hiểu được tầm quan trọng của cây sầu riêng Việt Nam trong khu vực. Qua đó, Đồng Nai biết được “đã làm được gì cũng như chưa làm được gì” để có những chủ trương phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu nông sản.
Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa trong việc tham gia cùng hợp tác xã, hỗ trợ người dân trong khâu thu hoạch để đảm bảo số lượng, chất lượng, gắn với bảo quản và chế biến, đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao. Cơ quan Nhà nước phải quan tâm và có định hướng, hướng dẫn người nông dân không trồng ồ ạt, tự ý mở rộng diện tích trồng sầu riêng, tránh bị thua lỗ.