Các công ty dược phẩm loay hoay vượt khó

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cắt giảm 59% giá thuốc kê đơn nhưng không đưa ra thêm chi tiết về kế hoạch hạ giá thuốc trước sự kiện liên quan đến y tế dự kiến diễn ra tại Nhà Trắng ngày 12/5.

Dây chuyền sản xuất thuốc insulin tại nhà máy của Công ty dược phẩm Mỹ Eli Lilly ở Fegersheim, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Dây chuyền sản xuất thuốc insulin tại nhà máy của Công ty dược phẩm Mỹ Eli Lilly ở Fegersheim, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 11/5, Tổng thống Trump thông báo sẽ ký một sắc lệnh hành pháp trong ngày 12/5 để theo đuổi cơ chế định giá được gọi là "quốc gia được ưu đãi nhất". Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cảnh báo giá thuốc sẽ tăng ở những nơi khác trên khắp thế giới sau sắc lệnh hành pháp trên. Ông cũng lưu ý đến thực trạng giá dược phẩm tại Mỹ đang ở mức cao nhất thế giới, đôi khi gấp 5-10 lần so với các nước khác, điều mà những doanh nghiệp dược phẩm cho rằng do chi phí nghiên cứu và phát triển.

Trước đó, theo thông tin được đăng tải tháng trước trên Công báo Liên bang, Chính phủ Mỹ đã tiến hành điều tra các mặt hàng dược phẩm, bên cạnh chất bán dẫn nhập khẩu, mở đường cho việc áp thuế đối với cả hai lĩnh vực này. Mỹ viện dẫn lý do tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất thuốc từ nước ngoài là một mối đe dọa an ninh quốc gia.

Thông tin trên Công báo liên bang cho biết chính quyền đã bắt đầu các cuộc điều tra vào ngày 1/4 và cần được hoàn thành trong vòng 270 ngày kể từ khi bắt đầu. Các cuộc điều tra sẽ bao gồm cả dược phẩm và nguyên liệu dược phẩm cũng như những sản phẩm phái sinh khác.

Các nhà sản xuất dược phẩm lập luận rằng thuế quan có thể làm tăng nguy cơ thiếu hụt và giảm khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Trump đã thúc đẩy các khoản thuế này, với lập luận rằng Mỹ cần sản xuất thuốc nhiều hơn để không phải phụ thuộc vào các quốc gia khác về nguồn cung cấp dược phẩm.

Các công ty trong ngành đã vận động hành lang với ông Trump để áp dụng thuế quan theo giai đoạn đối với những sản phẩm dược phẩm nhập khẩu, với hy vọng giảm bớt tác động từ thuế quan và để các nhà sản xuất có thời gian chuyển đổi sản xuất. Các nhà sản xuất dược phẩm lớn thường có những cơ sở sản xuất trên toàn cầu, chủ yếu ở Mỹ, châu Âu và châu Á, và việc chuyển sản xuất sang Mỹ đòi hỏi một lượng lớn nguồn lực và có thể mất nhiều năm.

Trước đó, gần 30 tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đã đồng loạt gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen yêu cầu hỗ trợ duy trì hoạt động tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) trước các tác động tiềm ẩn từ thuế quan của Mỹ.

Các tập đoàn dược phẩm hàng đầu, trong đó có Pfizer và Eli Lilly của Mỹ và AstraZeneca của Anh, bày tỏ lo ngại về khả năng gia tăng chi phí hoạt động ở châu Âu so với Mỹ. Các tập đoàn này kêu gọi EU đơn giản hóa các quy định hiện hành, đặc biệt là yêu cầu về thử nghiệm lâm sàng quy mô đa quốc gia vốn khiến quá trình phát triển thuốc mất rất nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, họ cũng phản đối khoản phí mới sắp được áp dụng liên quan đến xử lý nước thải chứa vi chất ô nhiễm.

Cũng trong thư, các công ty dược phẩm lớn cho biết suốt một thập kỷ qua, họ đã tự chi trả các chi phí phát sinh liên quan đến những loại thuốc tiên tiến. Các tập đoàn dược khẳng định mong muốn được hợp tác chặt chẽ với EC trong thời gian tới nhằm mang lại lợi ích cho cả người bệnh và sự phát triển kinh tế của khu vực.

Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất của các tập đoàn dược phẩm toàn cầu, và chuỗi cung ứng dược phẩm giữa EU và Mỹ có mối liên kết chặt chẽ. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm y tế và dược phẩm của EU sang Mỹ đạt khoảng 90 tỷ euro (tương đương 101,49 tỷ USD).

Trước đó, EC hồi tháng 3/2025 công bố đề xuất "Đạo luật thuốc thiết yếu" với mục tiêu cải thiện khả năng cung ứng các loại thuốc quan trọng trong EU. Động thái này nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt thuốc, bảo vệ sức khỏe người dân và tăng cường khả năng tự chủ dược phẩm của khối.

EU đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung thuốc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị gần đây. Tình trạng thiếu thuốc không chỉ gây nguy hiểm cho bệnh nhân mà còn tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế. "Đạo luật thuốc thiết yếu" được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề phụ thuộc vào nguồn cung thuốc từ bên ngoài EU, bằng cách tập trung vào ba trụ cột chính. Thứ nhất, đạo luật khuyến khích đầu tư vào các dự án chiến lược, hỗ trợ sản xuất thuốc thiết yếu và nguyên liệu ngay trong khối, thông qua các ưu đãi về tài chính và thủ tục hành chính. Thứ hai, đạo luật thúc đẩy các quốc gia thành viên ưu tiên mua sắm từ các nhà sản xuất nội địa, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung để tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp duy nhất. Thứ ba, đạo luật tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác có cùng quan điểm, nhằm mở rộng chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung thuốc ổn định trong dài hạn.

Khánh Ly (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-cong-ty-duoc-pham-loay-hoay-vuot-kho/373320.html