Các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Giải quyết đồng bộ để phát triển

LTS: Các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang tập trung một lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các cụm công nghiệp nhiều năm qua cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, vướng mắc đang đặt ra. Thực trạng này đòi hỏi sớm được giải quyết đồng bộ để các cụm công nghiệp phát triển đúng định hướng, tạo sức bật cho kinh tế Thủ đô.

Bài 1: Nhìn đâu cũng thấy vướng

Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động tại 17 quận, huyện, thị xã. Mặc dù nhiều cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng đến nay vẫn còn những vướng mắc, bất cập chưa được giải quyết dứt điểm...

Một góc Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang

Một góc Cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang

Vướng mắc từ mặt bằng

Thạch Thất là một trong những địa phương có số lượng lớn làng nghề truyền thống và làng có nghề nên nhu cầu đất sử dụng cho mục đích sản xuất là rất lớn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 cụm công nghiệp đang hoạt động, song cả 8 cụm công nghiệp này đều có những tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là về công tác giải phóng mặt bằng với 4/8 cụm công nghiệp chưa hoàn thành, dù đã triển khai khoảng 20 năm nay.

Đơn cử, Cụm công nghiệp Bình Phú (xã Bình Phú) diện tích theo quy hoạch là 21,18ha, nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng lô D với diện tích 26.605m2/100 hộ. Cụm công nghiệp Bình Phú 1 (xã Bình Phú) cũng chưa hoàn thành việc di dời mộ, chưa xử lý được vướng mắc về mặt bằng trên diện tích 5.556m2/9 hộ chưa nhận tiền... Cụm công nghiệp Canh Nậu (xã Canh Nậu) cũng đang “nợ” giải phóng mặt bằng hơn 11.000m2; Cụm công nghiệp cơ kim khí Phùng Xá cũng còn hơn 3.200m2 chưa giải phóng mặt bằng…

Tương tự, tại huyện Ứng Hòa, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Bộ, từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Bắc Vân Đình với tổng quy mô 50ha. Tuy nhiên, từ đó đến nay mới có 4 đơn vị thuê đất trên diện tích 10,01ha; phần còn lại gần 40ha vẫn là đất lúa... Do chưa được đầu tư tổng thể nên 4 đơn vị thuê đất tại cụm công nghiệp phải tự bỏ kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phần đất chưa giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp; chưa lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và phương án đền bù giải phóng mặt bằng...

Cũng bởi vướng mặt bằng nên hàng loạt cụm công nghiệp dù đang hoạt động nhưng vẫn chưa hoàn thành việc xét duyệt, giao đất đến hộ có nhu cầu thuê; nhiều vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng chưa được xử lý...

Hệ thống giao thông tại Cụm công nghiệp đồ mộc dân dụng xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa. Ảnh: Thu Hằng

Hệ thống giao thông tại Cụm công nghiệp đồ mộc dân dụng xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa. Ảnh: Thu Hằng

Bất cập trong quản lý

Không chỉ có những vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, công tác quản lý và chuyển đổi mô hình quản lý tại nhiều cụm công nghiệp cũng bộc lộ bất cập. Tính đến nay, toàn thành phố có đến 45/70 cụm công nghiệp đã hoạt động nhưng còn nhiều hạng mục hạ tầng chưa được xây dựng theo quy định. Thậm chí, nhiều cụm cơ bản chưa được đầu tư hạ tầng do cách triển khai theo hình thức giao đất trực tiếp cho doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng trong khi chưa có hạ tầng. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất Vương Văn Chức cho rằng, do trước kia việc đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp được giao UBND cấp xã thực hiện nên quá trình thực hiện nảy sinh rất nhiều bất cập.

Theo Điều 16, Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 3-10-2022 của UBND thành phố Hà Nội) về chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ Ban Quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư sang doanh nghiệp thì các cụm công nghiệp hiện nay được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư, đơn vị này phải xây dựng phương án hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp; bổ sung, cải tạo, nâng cấp các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn thiếu hoặc không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, đơn vị này không có kinh phí để đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, kéo theo hạ tầng nhiều cụm công nghiệp xuống cấp, nhếch nhác, mất tính chuyên nghiệp.

Đơn cử như Cụm công nghiệp đồ mộc dân dụng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất), tuy đã được đầu tư xây dựng đường giao thông, rãnh thoát nước, nhưng do đặc thù của nghề mộc là nhiều mùn, bụi thải phát sinh trong quá trình sản xuất không được thu gom kịp thời; xe có tải trọng lớn thường xuyên ra vào cụm công nghiệp làm tắc, hỏng hệ thống rãnh thoát nước, dẫn đến gây đọng nước khi mưa…

Trong khi đó, tại một số cụm công nghiệp như Cụm công nghiệp Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), dù đã do Ban Quản lý đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư song các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, mới chỉ thực hiện đầu tư hạ tầng tối thiểu để phục vụ việc giao đất như điện, đường giao thông. Ngoài ra, nhiều cụm công nghiệp chưa xây dựng và ban hành quy chế hoạt động; chưa xây dựng và phê duyệt giá dịch vụ chung… Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp tự chịu trách nhiệm về an ninh trật tự, trả tiền phí môi trường thu gom rác thải cho đơn vị cung cấp dịch vụ.

Còn tại một số cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư thì công tác quản lý, thu phí các doanh nghiệp thứ cấp gặp nhiều khó khăn. Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp có dấu hiệu sai phạm về sử dụng đất, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, nhưng chủ đầu tư không có chế tài để xử lý...

Với thực trạng trên, những cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội nhìn đâu cũng thấy vướng...

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cac-cum-cong-nghiep-tren-dia-ban-ha-noi-giai-quyet-dong-bo-de-phat-trien-667807.html