Các địa phương đã sẵn sàng mặt bằng, vật liệu làm đường sắt tốc độ cao
Theo quy hoạch sẽ có 23 nhà ga dọc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Việc quy hoạch, xây dựng giao thông kết nối, chuẩn bị nguồn lực đã và đang được các địa phương tính toán kỹ.
Chủ động đầu tư giao thông kết nối
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn có một ga hàng hóa dự kiến đặt tại xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom. Việc lưu thông khá thuận lợi khi ga Trảng Bom chỉ cách quốc lộ 1 gần 1km, dễ dàng di chuyển về sân bay Long Thành.

Vị trí quy hoạch ga Thủ Thiêm, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được giải phóng mặt bằng và khoanh lại.
Từ ga Trảng Bom cũng sẽ kết nối cảng biển theo tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, liên vận quốc tế kết nối Campuchia theo tuyến TP.HCM - Lộc Ninh, TP.HCM - Mộc Bài. Đồng thời kết nối với miền Tây theo tuyến TP.HCM - Cần Thơ.
Trong khi đó, ga hành khách đặt tại trung tâm sân bay Long Thành là một lựa chọn lý tưởng. Từ đây có thể theo tuyến đi về phía Nam, hoặc đi đến Thủ Thiêm ở ga cuối cùng.
Theo ông Đức, hiện địa phương đã sẵn sàng về đất đai để khi dự án triển khai có thể bắt tay vào làm ngay. Trong đó, khu vực ga Long Thành nằm trong sân bay nên đã giải phóng mặt bằng xong. Dọc tuyến cũng đã quy hoạch sử dụng đất cho giao thông đường sắt nên khi có chủ trương là thực hiện. Đặc biệt, địa phương cũng đã triển khai nhiều tuyến đường bộ kết nối với đường sắt.
Giữa tháng 3, tỉnh cũng đã làm việc với Trường Đại học GTVT TP.HCM để nghe báo cáo đề xuất về dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển đường sắt tốc độ cao và đào tạo nguồn nhân lực logistics, với quy mô 55ha.
Riêng về mỏ vật liệu phục vụ dự án, tỉnh hiện có 44 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, đảm bảo đủ nhu cầu.
Cơ bản không vướng mặt bằng
Tại Bình Thuận, tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn qua địa bàn có chiều dài 156km với 2 ga hành khách là Phan Thiết và Phan Rí.
Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh, Ban được tỉnh giao lập dự án các tuyến đường kết nối trung tâm thành phố Phan Thiết với tuyến đường sắt tốc độ cao. Trước mắt, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến đường 12 làn xe với tổng mức đầu tư 6.990 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận thông tin, Thường trực Tỉnh ủy đã giao UBND tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh phương án đầu tư dự án giao thông kết nối, nghiên cứu quy hoạch đồng bộ khu đô thị ga đường sắt tốc độ cao, quyết tâm hoàn thành chậm nhất là quý IV/2028, sẵn sàng kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao.
Theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với quy mô: Tổng chiều dài khoảng 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha; tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa bàn có một nhà ga tại khu vực TP Phan Rang – Tháp Chàm, hai trạm bảo dưỡng tại huyện Ninh Hải và Thuận Nam.
Hiện địa phương đang phối hợp thống kê diện tích cần giải phóng mặt bằng. Về vật liệu, Ninh Thuận đã có sẵn các mỏ để triển khai dự án, cơ bản không vướng mắc.
Trong khi đó, công tác chuẩn bị cho dự án qua địa bàn TP Huế (chiều dài 95km) cơ bản hoàn tất. Khi dự án được phê duyệt, TP Huế sẽ triển khai cắm mốc giải phóng mặt bằng, di dời dân và bố trí tái định cư.
Theo Sở Xây dựng TP Huế, ga Huế đặt tại xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang) và ga Chân Mây đặt tại huyện Phú Lộc. Hiện trạng đất dọc tuyến đường sắt tốc độ cao chủ yếu là đất nông nghiệp nên sẽ thuận lợi cho việc thực hiện kiểm kê, đền bù.
Tại Bình Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, khi có chỉ đạo từ Chính phủ, Bình Định sẽ triển khai ngay các bước trong thời gian sớm nhất. Từ kinh nghiệm triển khai cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án giao thông trọng điểm khác, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng như cấp mỏ vật liệu chắc chắn sẽ thuận lợi.
Tại TP.HCM, nơi đặt ga hành khách cuối cùng của tuyến đường sắt tốc độ cao, khu vực quy hoạch nhà ga ở Thủ Thiêm 17ha đã được khoanh vùng bảo vệ mặt bằng.
Nhà ga có mặt tiền giáp với đường Mai Chí Thọ, cạnh nút giao An Phú để đi lên cao tốc Long Thành. Đây cũng là vị trí quy hoạch nhà ga của tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm và kết nối với các tuyến metro nội đô của TP.HCM.
Theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM, hành lang của tuyến đường sắt tốc độ cao chạy theo đường cao tốc TP.HCM - Long Thành nên không ảnh hưởng nhiều trong việc giải phóng mặt bằng. Thành phố rất mong đợi dự án được triển khai sớm.