Các địa phương phải triển khai tiêm vaccine sởi ngay
Sáng 12-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Viện Pasteur và 26 địa phương trên cả nước bàn giải pháp tăng cường phòng, chống bệnh cúm và bệnh sởi.
![Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_423_51459013/c925f46dc3232a7d7332.jpg)
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung
Thông tin từ Cục Y tế dự phòng, số trường hợp mắc bệnh cúm trong cả nước có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 1 ngàn ca mắc bệnh cúm, trong đó có nhiều ca bệnh nặng nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.
Các tác nhân chủ yếu gây bệnh cúm tại Việt Nam hiện là các chủng virus cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Chưa ghi nhận sự biến đổi nào về độc lực của virus cúm.
Đối với bệnh sởi, trong năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 45,5 ngàn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó hơn 7,5 ngàn trường hợp dương tính và 16 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Hầu hết các trường hợp mắc sởi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine sởi. Đáng lưu ý, có đến 25% bệnh nhân sởi dưới 9 tháng tuổi – độ tuổi bắt đầu tiêm vaccine sởi.
Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi đã được triển khai từ tháng 9-2024 tại 31 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Đồng Nai. Đến nay, có 7/31 tỉnh, thành phố đã kết thúc chiến dịch giai đoạn 1, còn 24 tỉnh, thành phố đang tiếp tục triển khai tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng để kết thúc chiến dịch giai đoạn 1.
![Người dân tiêm vaccine phòng cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_423_51459013/7fb220fa17b4feeaa7a5.jpg)
Người dân tiêm vaccine phòng cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung
Kết luận hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm lưu ý, đối với dịch cúm, đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Cục Y tế dự phòng cùng bàn bạc kỹ, tham mưu Bộ Y tế báo cáo với Chính phủ để thiết lập hệ thống giám sát các tác nhân gây bệnh đường hô hấp ở các cơ sở y tế, trong cộng đồng trên cả nước.
Để phòng ngừa dịch bệnh cúm lây lan, đề nghị các địa phương tăng cường công tác truyền thông, ngành y tế các tỉnh, thành phố chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để kịp thời truyền thông cho người dân hiểu về các loại dịch bệnh và triển khai các giải pháp phòng ngừa.
Về dịch bệnh sởi, đề nghị các Viện Pasteur thành lập các đoàn đi giám sát, hỗ trợ các địa phương trọng điểm về chuyên môn kỹ thuật.
Bộ Y tế sẽ nỗ lực đẩy mạnh cung ứng vaccine cho các địa phương, đặc biệt là vaccine sởi. Tổ chức tiêm bù tiêm vét cho trẻ, đánh giá sát nguy cơ để triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi - 9 tháng tuổi.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng yêu cầu các địa phương phải lập tức triển khai tiêm vaccine sởi đợt 2 ngay để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine sởi càng cao càng tốt. Nhóm đối tượng tiêm của chiến dịch lần này là trẻ từ 6 tháng – 9 tháng tuổi tại những vùng đang có dịch sởi, tiêm 1 liều và xem là mũi 0. Tất cả những trẻ từ 1-10 tuổi nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ cũng tiêm 1 liều.
Các chuyên gia cảnh báo, Tamiflu là thuốc kháng virus phải được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và cần được theo dõi. Người dân khi bị cúm không nên tự ý mua thuốc Tamiflu, nếu dùng không theo chỉ định, liều lượng có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc.