Các dự án giao thông quan trọng quốc gia đang có tỷ lệ giải ngân cao
Các dự án trọng điểm quốc gia đang có tỷ lệ giải ngân cao hơn trung bình của cả nước. Tuy nhiên, những dự án này cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/8/2023, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải (Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giai đoạn 1; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; Dự án Vành đai 4 TP. Hà Nội; Dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; Dự án đường Hồ Chí Minh; Dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành) là 48.297,55 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55,3% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (87.317 tỷ đồng).
Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 41.857,66 tỷ đồng, đạt 53,9% và vốn ngân sách địa phương là 6.997,98 tỷ đồng, đạt 72,9%.
Như vậy, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ bình quân chung 8 tháng của cả nước.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/8/2023, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải là 48.297,55 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55,3% trên tổng kế hoạch năm 2023 được giao (87.317 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, các dự án này cũng đang gặp một số khó khăn trong công tác giải ngân.
Cụ thể, về giao dự toán đối với khoản vốn 13.796 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021 cho 3 dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ở giai đoạn 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới giao tổng nguồn tăng NSTW năm 2021 cho 3 dự án, không giao chi tiết cho từng dự án thành phần.
Trong khi đó, hết thời hạn giao dự toán nguồn tăng thu NSTW năm 2021 (31/12/2022), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có văn bản thông báo danh mục và mức vốn dự kiến từ nguồn vốn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 cho từng dự án, dự án thành phần để hoàn thiện thủ tục, thực hiện đầu tư theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương là cơ quan chủ quản chưa đề xuất nhu cầu giao dự toán (tại các quyết định phê duyệt đầu tư dự án thành phần không phân định nguồn vốn tăng thu NSTW) nên Bộ Tài chính chưa có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán năm 2022. Việc tiếp tục sử dụng nguồn vốn này trong năm 2023 phải báo cáo Quốc hội cho phép chuyển nguồn.
Về khó khăn này, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 6652/VPCP-KTTH ngày 28/8/2023, Bộ Tài chính đã có văn bản số 9339/BTC-ĐT ngày 31/8/2023 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương xác định nhu cầu vốn bố trí từ nguồn tăng thu cắt giảm, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 cho các dự án đã đáp ứng đủ điều kiện giao vốn.
Trên cơ sở đó, tổng hợp chung vào tờ trình về thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (trong đó có cơ chế đặc thù về đối tượng thủ tục đầu tư, giao kế hoạch, giải ngân cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022), báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho phép chuyển nguồn vốn trên sang năm 2023 để bố trí cho các dự án.
Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương là cơ quan chủ quản các dự án thành phần rà soát, điều chỉnh đảm bảo phê duyệt trong phạm vi sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đã được Quốc hội phê chuẩn.
Ngoài ra, về phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án thành phần của Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, theo các quyết định phê duyệt đầu tư các dự án thành phần, tổng mức đầu tư của 4 dự án thành phần do UBND các tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản phê duyệt là 44.814,3 tỷ đồng, cao hơn 123,3 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội phê chuẩn.
Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm quốc gia từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính đã đưa ra kiến nghị về giao dự toán đối với khoản vốn 13.796 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi của NSTW năm 2021 cho 3 dự án đường bộ cao tốc (hiện tờ trình thí điểm trên đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Còn việc bổ sung nội dung nguồn tăng thu NSTW năm 2021 thì Bộ Tư pháp phải thẩm định và báo cáo lại Chính phủ (ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 7620/BKHĐT-TH ngày 15/9/2023).
Thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 và cũng để Bộ Tài chính có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn vốn trên sang năm 2023 bố trí cho các dự án theo đúng quy định của pháp luật ngân sách nhà nước, đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định nhu cầu bố trí vốn phù hợp với khả năng giải ngân từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 cho từng dự án thành phần đã đủ điều kiện giao vốn gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương là cơ quan chủ quản các dự án thành phần rà soát, điều chỉnh đảm bảo phê duyệt trong phạm vi sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đã được Quốc hội phê chuẩn. Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư cao hơn sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 60/2022/QH15, đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định./.