Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ 'làm ấm' thị trường bất động sản phía Nam?
Gần hết năm 2023, thị trường bất động sản phía Nam nói chung vẫn tiếp diễn tình trạng trầm lắng, ảm đạm. Tuy vậy, tại hội thảo 'Bất động sản phía Nam đón đầu cơ hội phát triển hạ tầng' được tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định hạ tầng giao thông đang được triển khai sẽ là cú hích cho thị trường phục hồi trong thời gian tới.
Hưởng lợi từ hạ tầng giao thông
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Công ty Savills Việt Nam cho rằng: Giai đoạn 2008-2009, khủng hoảng kinh tế từ Mỹ lan rộng đến các nước. Thời điểm đó, tín dụng đổ vào bất động sản chiếm đến 36%, lãi suất thì nhảy vọt từ 13-14% lên đến trên 20%. Đặc thù của thị trường thời điểm đó các nhà đầu tư bất động sản và cả doanh nghiệp đều sử dụng đòn bẩy tài chính lớn.
Tuy nhiên, ông Khương nhận định hiện tại thị trường đã khác, cụ thể là vướng ở nguồn cung. Nếu như giai đoạn 2008-2009 thanh khoản thấp vì khủng hoảng thừa thì hiện nay thị trường lại thiếu cung. Thanh khoản phân khúc cao cấp gặp khó trong khi nguồn cung nhà ở vừa túi tiền với đại đa số người dân không nhiều.
Theo ông Khương, nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay nằm ở vấn đề pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Điều này làm cho các nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại: “Các nhà đầu tư nước ngoài khi nghe thị trường gặp vấn đề pháp lý thì rất ngại. Như vậy, chúng ta đang mất sức hút về mặt đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài mà đầu tư vào bất động sản Việt Nam rất nhiêu khê. Chỉ các nhà đầu tư lâu đời, có kinh nghiệm ở Việt Nam như Singapore hay Hàn Quốc thì mới dễ”.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở, Công ty CBRE Việt Nam cho biết: Có khoảng 70% các dự án không thể triển khai được trong khoảng 3 năm gần đây do vướng pháp lý. Điều này khiến vòng đời triển khai của một dự án kéo dài, do đó đẩy chi phí đầu tư tăng dẫn đến giá bán tăng cao.
Tuy vậy, ông Kiệt vẫn chỉ ra hạ tầng là yếu tố tác động rất nhiều đến thị trường bất động sản. Kế hoạch đầu tư công của Chính phủ đối với khu vực phía Nam rất nhiều từ sân bay, vành đai, các đường cao tốc… khiến thị trường bất động sản được hưởng lợi.
Tiền đề cho những vùng đất "nóng"
Tại khu vực phía Nam, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, các hệ thống tuyến đường Vành đai không chỉ tác động đến TP.HCM mà cả khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tạo nên sự thay đổi của cả khu vực.
Ông Kiệt nhận định, tuyến đường sắt trên cao Metro đã tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông TP.HCM. Các dự án bất động sản “ăn theo” Metro đã có mức tăng giá rất cao. Điều này cho thấy hệ thống Metro sắp đưa vào vận hành có thể thay đổi định hướng về đầu tư theo hạ tầng.
“Trong tương lai TP.HCM đang lên kế hoạch để phát triển các dự án đô thị TOD - khu đô thị gắn liền với hệ thống giao thông, và hệ thống tuyến Metro sẽ là nền tảng để tạo nên mặt bằng mới trong việc phân bổ phát triển đô thị” - ông Kiệt nói.
Theo TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, tới năm 2025, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3… sẽ tạo bước đột phá cho nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam.
Ông Hiển cho rằng, thời gian tới, vùng đất có sức hút đầu tư là những khu công nghiệp có quỹ đất sạch, chuyển đổi nhanh. Bên cạnh đó, cảng Cái Mép – Thị Vải được kết nối hạ tầng đồng bộ cũng sẽ là tiền đề cho những vùng đất “nóng” trong thời gian tới.
“Từ nay tới 2025, liên tục các đường hạ tầng của Chính phủ đầu tư cho riêng khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tập trung xong. Những bất động sản sẽ tăng trưởng một cách bền vững. Đó là một sự khởi đầu mới” - ông Hiển nói.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, với sự phục hồi của nền kinh tế, sự phát triển của cơ sở hạ tầng sẽ góp phần cải thiện thu nhập của người dân, từ đó có thể tác động tích cực lên thị trường bất động sản.