Các dự án khí đốt cản trở quá trình chuyển đổi xanh ở Đông Nam Á

Các kế hoạch hiện tại của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất điện chạy bằng khí đốt và tăng 80% năng lực nhập khẩu LNG.

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo được công bố ngày 30/5 của tổ chức Theo dõi năng lượng toàn cầu (GEM), Đông Nam Á đang trên đà mở rộng đáng kể năng lực của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và khả năng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của khu vực này.

GEM, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, cho biết các kế hoạch hiện tại của khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất điện chạy bằng khí đốt và tăng 80% năng lực nhập khẩu LNG.

Khí tự nhiên thải ra ít khí CO2 hơn hầu hết các loại nhiên liệu hóa thạch khác, do đó nó thường được xem là "loại nhiên liệu chuyển tiếp" có thể giúp các nền kinh tế giảm phát thải mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Tuy nhiên, rò rỉ khí methane từ ngành công nghiệp khí đốt là một yếu tố chính gây ra biến đổi khí hậu, và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo LNG chỉ nên đóng một "vai trò nhỏ" trong việc loại bỏ than đá.

GEM cho biết Việt Nam, Philippines, Indonesia và Thái Lan đang dẫn đầu việc mở rộng LNG trong khu vực. Nhưng tổ chức này cũng nói thêm rằng Đông Nam Á đã có đủ năng lực điện gió và Mặt Trời quy mô lớn đang được phát triển để đáp ứng gần 2/3 mức tăng dự kiến trong nhu cầu năng lượng vào năm 2030.

Tuy nhiên, GEM thừa nhận rằng tiềm năng năng lượng tái tạo được phân bổ không đồng đều trên khắp khu vực, với một số quốc gia có vị trí tốt hơn để khai thác năng lượng gió hoặc Mặt Trời so với các quốc gia khác. Và cơ sở hạ tầng lưới điện trong khu vực này cũng là một rào cản, cần nâng cấp để tạo điều kiện cho việc tích hợp năng lượng tái tạo.

Tình trạng này có thể khiến LNG trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt là ở những nơi các nhà máy điện than hoặc diesel hiện có có thể được chuyển đổi. Nhưng ông Warda Ajaz, quản lý dự án theo dõi khí đốt châu Á của GEM, cho rằng tăng cường sản xuất khí đốt không phải là giải pháp dài hạn, mà đáp ứng nhu cầu bằng các nguồn năng lượng tái tạo, hiệu quả về chi phí sẽ giúp khu vực này tránh được những biến động của giá khí đốt và là con đường xanh hơn về lâu dài.

Báo cáo của GEM cảnh báo rằng nguồn tài chính quốc tế đang khuyến khích mở rộng năng lực khí đốt thay vì năng lượng tái tạo, một phần bằng cách cung cấp tiền cho các quốc gia như Indonesia để chuyển đổi các nhà máy sang sử dụng LNG.

Báo cáo cho biết: "Hầu hết năng lực cơ sở hạ tầng khí đốt đang được phát triển ở các quốc gia Đông Nam Á vẫn chưa bước vào giai đoạn xây dựng,” vì thế vẫn còn thời gian để thay đổi lộ trình và chuyển hướng đầu tư sang các nguồn năng lượng tái tạo và hòa vào lưới điện khu vực.

Các giám đốc điều hành và giới phân tích cho biết những công ty năng lượng đang tăng cường các hoạt động thăm dò ở Đông Nam Á để tăng sản lượng khí đốt tự nhiên và đáp ứng tăng trưởng nhu cầu dài hạn, do những phát hiện gần đây và chính sách đầu tư được cải thiện.

Malaysia và Indonesia gần đây đã chứng kiến những phát hiện thành công ở thượng nguồn, bao gồm một phát hiện lớn của công ty năng lượng Mubadala Energy của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại mỏ South Andaman Block của Indonesia, sau nhiều năm thiếu đầu tư vào lĩnh vực này kể từ vụ sụp đổ giá dầu năm 2015.

Ông Stefano Raciti, Giám đốc Mubadala Energy, cho biết tăng trưởng kinh tế và dân số sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu khí đốt liên tục trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt đỉnh trước năm 2040.

Đây là một cơ hội quan trọng để đầu tư vào khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mubadala cũng đang nỗ lực mở rộng sản lượng tại mỏ khí Pegaga ở Malaysia, nơi hai công ty năng lượng lớn sẽ lần đầu tiên tham gia thông qua các thương vụ mua lại gần đây.

Tháng trước, công ty TotalEnergies của Pháp công bố mua 50% cổ phần của SapuraOMV có trụ sở tại Malaysia và Chevron đang mua lại Hess, công ty có tài sản ở Malaysia.

Ngoài ra, công ty Pertamina của Indonesia và công ty Petronas của Malaysia đã mua lại 35% cổ phần của Shell trong mỏ khí đốt tự nhiên Masela do Inpex vận hành.

Theo các chuyên gia, Đông Nam Á là một trong những nguồn carbon xanh lớn nhất lưu trữ trong các hệ thống đại dương nhưng các hoạt động của con người đang gây ra tổn thất lớn về tiềm năng này.

 Khu rừng ngập mặn trồng cây bần chua xanh tốt trên phá Tam Giang-Cầu Hai ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Khu rừng ngập mặn trồng cây bần chua xanh tốt trên phá Tam Giang-Cầu Hai ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trong số đó, rừng ngập mặn và môi trường sống thảm cỏ biển là hai hệ sinh thái carbon xanh chiếm ưu thế trong khu vực nhưng vốn lỏng lẻo trong việc bảo tồn tiềm năng carbon xanh.

Những bãi biển ở Đông Nam Á luôn thu hút trí tưởng tượng của khách du lịch trải từ Bali đến Phuket. Tuy nhiên, hiếm có ai nhận ra một tiềm năng khác của bờ biển rộng lớn về khả năng của sinh vật biển phong phú trong đạt được mức trung hòa carbon.

Theo bà Siti Maryam Yaakub, Giám đốc cấp cao Viện carbon xanh quốc tế có trụ sở tại Singapore, hệ thống đại dương gồm các thực vật phù du nhỏ bé đến đai rừng ngập mặn và thảm cỏ biển có thể lưu trữ lượng carbon nhiều gấp 5 lần so với rừng nhiệt đới nhưng tiềm năng tự nhiên to lớn này đang bị cạn kiệt nhanh chóng.

Các nhà khoa học định nghĩa thuật ngữ carbon xanh là dạng carbon được lưu trữ trong các hệ thống đại dương và Đông Nam Á là một trong những nguồn lớn nhất như vậy.

Khu vực đang phải chịu tổn thất lớn về tiềm năng này do hoạt động của con người như nuôi trồng thủy sản.

Ở Đông Nam Á, hai hệ sinh thái carbon xanh chiếm ưu thế là rừng ngập mặn và môi trường sống cỏ biển. Rừng ngập mặn là rừng mọc ở vùng tiếp giáp giữa đất liền và biển, trong khi cỏ biển là thực vật sống dưới nước phát triển mạnh ở vùng nước lợ và nước nông.

Tuy nhiên, bà Siti cho rằng khu vực này đang lỏng lẻo trong việc bảo tồn tiềm năng carbon xanh. Bà cho biết: “Rất nhiều rừng ngập mặn ở Sumatra và Java ở Indonesia đang nhanh chóng chuyển đổi sang nuôi tôm và trồng dầu cọ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-du-an-khi-dot-can-tro-qua-trinh-chuyen-doi-xanh-o-dong-nam-a-post956294.vnp