Các dự án trọng điểm của 19 tập đoàn, tổng công ty có tiến độ giải ngân cao

Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Chiều ngày 16/7, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị Ảnh: Đức Minh

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị Ảnh: Đức Minh

Ghi dấu sự chuyển biến khá của nhiều đơn vị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp -Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Về cơ bản, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 1.018.920 tỷ đồng, bằng 76,28% kế hoạch năm và bằng 113% so cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 56.874,89 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và bằng 127% so cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 86.217 tỷ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm và bằng 91% so cùng kỳ.

19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước.

Trong lĩnh vực năng lượng có các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (đạt khoảng 40,09% kế hoạch); Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 41,64% kế hoạch); Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 43% kế hoạch)…

Trong lĩnh vực giao thông, hàng không có các dự án xây dựng: đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (đạt khoảng 24,1% kế hoạch); nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (đạt khoảng 26,06%).

Đối với dự án thành phần 3-dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thông tin tại hội nghị cho biết, giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 8,45%, tuy nhiên, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 32,8%.

Với những kết quả đạt được, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội.

Theo ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2024 ghi dấu sự chuyển biến khá của nhiều đơn vị, rõ nét nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát biểu tại hội nghị Ảnh: Đức Minh

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát biểu tại hội nghị Ảnh: Đức Minh

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 151,73 tỷ kWh, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là điểm tích cực đáng ghi nhận. Liên quan đến việc tối ưu hóa chi phí, ông Tuấn cho biết EVN đã tiết kiệm tối đa sau khi trừ đi chi phí giá thành mua điện. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng EVN đã nhận được sự chỉ đạo và giúp đỡ sát sao của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và từng bước có hiệu quả.

Tuy nhiên về phía các tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế trong việc hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà Ủy ban đã giao; triển khai và giải ngân một số dự án đầu tư; tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định, đặc biệt là đối với các báo cáo tài chính và giám sát tài chính.

Ông Lại Xuân Thanh- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phát biểu tại hội nghị Ảnh: Đức Minh

Ông Lại Xuân Thanh- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phát biểu tại hội nghị Ảnh: Đức Minh

Ông Lại Xuân Thanh- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bày tỏ, Tổng công ty đã có những khó khăn chưa lường hết được khi triển khai các gói thầu tại các dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành mà đơn vị được giao. Tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan trong việc kiện toàn lại ban quản lý dự án, rà soát lại các hồ sơ gói thầu để tìm ra những hồ sơ tốt, từ đó mới có được chất lượng thầu tốt. Một điểm đáng ghi nhận của ACV trong 6 tháng đầu năm là con số doanh thu và lợi nhuận đề tăng khá hơn so với cùng kỳ, nhiều vướng mắc, khó khăn đã được chung tay tháo gỡ.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, khắc phục tình trạng trước đây, nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng thông tin thêm, Ủy ban tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh; giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, đẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.

Đồng thời, Ủy ban kịp thời rà soát, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng công ty phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Anh lưu ý, các tập đoàn, tổng công ty phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội nhà nước giao; đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn...

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-du-an-trong-diem-cua-19-tap-doan-tong-cong-ty-co-tien-do-giai-ngan-cao-332722.html