Các hãng thời trang nhanh Trung Quốc gây áp lực lên vận tải hàng không toàn cầu
Sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ thương mại điện tử thời trang nhanh của Trung Quốc như Shein và Temu đang làm đảo lộn thị trường vận tải hàng không toàn cầu. Các thương hiệu này đang gia tăng cạnh tranh không gian vận chuyển hàng hóa hạn chế trên các chuyến bay để giao hàng nhanh chóng cho khách hàng nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.
Vận tại hàng không bị chi phối bởi hàng Trung Quốc
Hai nền tảng thương mại điện tử Shein, Temu của Tập đoàn PDD và TikTok Shop của ByteDance gần đây đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến ở Mỹ. Họ vận chuyển phần lớn sản phẩm trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc đến khách hàng bằng đường hàng không trong các gói hàng có ghi địa chỉ riêng.
Theo báo cáo hồi tháng 6-2023 của quốc hội Mỹ, Shein và Temu cùng nhau gửi tổng cộng gần 600.000 gói hàng đến Mỹ mỗi ngày. Điều này làm tăng chi phí vận tải hàng không từ các trung tâm sản xuất ở châu Á như Quảng Châu và Hồng Kông và gây ra tình trạng thiếu công suất.
“Xu hướng lớn nhất ảnh hưởng đến vận tải hàng không hiện nay không chỉ là cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ mà còn bị chi phối các công ty thương mại điện tử Trung Quốc”, Basile Ricard, giám đốc hoạt động tại Trung Quốc của hãng giao nhận vận tải Bollore Logistics nói.
Theo dữ liệu của Cargo Facts Consulting, nhà bán lẻ Temu vận chuyển khoảng 4.000 tấn hàng bằng đường hàng không mỗi ngày. Con số này của Shein 5.000 tấn, Alibaba.com là 1.000 tấn và TikTok là 800 tấn. Hãng tư vấn này cho biết, số lượng nói trên tương đương với lượng hàng vận chuyển của khoảng 108 chuyên cơ vận tải Boeing 777 mỗi ngày.
Bên cạnh đó, Coresight Research cũng cho biết, nhu cầu mạnh mẽ đối với quần áo giá rẻ như áo giá 10 đô la Mỹ và quần short dành cho người đi xe đạp giá chỉ 5 đô la Mỹ đã thúc đẩy các hãng thời trang Trung Quốc gia tăng xuất khẩu. Trong đó, tính riêng Shein đã chiếm 1/5 thị trường thời trang nhanh toàn cầu tính theo doanh số bán hàng.
Nhu cầu mạnh mẽ của Shein và Temu đang thu hẹp không gian đối với sản phẩm của các ngành công nghiệp khác trên các chuyến bay thương mại. Nhất là trong bối cảnh nhiều công ty toàn cầu đang cố gắng tìm kiếm các lựa chọn hậu cần thay thế để ứng phó với tình trạng gián đoạn hàng hải ở Biển Đỏ.
Theo Công ty vận tải xuyên biên giới Baixiao.com, thời trang nhanh hiện chiếm một nửa tổng số lô hàng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc và chiếm khoảng 1/3 số máy bay chở hàng đường dài toàn cầu.
“Khi khủng hoảng Biển Đỏ xảy ra, các công ty toàn cầu không còn khả năng đặt chỗ vận chuyển hàng trên các chuyến bay nữa vì thương mại điện tử đã mua tất cả”, lãnh đạo của một hãng vận tải này cho biết.
Lo ngại về việc mất cân bằng thương mại
Nhu cầu vận chuyển hàng không từ thời trang nhanh bắt đầu tăng đáng kể vào nửa cuối năm ngoái. Một nguồn tin hậu cần của Đức cho biết, ngay cả các công ty công nghệ lớn như Apple cũng chỉ vận chuyển tối đa 1.000 tấn mỗi ngày. Theo nguồn tin này, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng từ thời trang nhanh có thể đẩy các khách hàng truyền thống ra khỏi thị trường vận tải hàng không.
Người phát ngôn của hãng hậu cần Schenker của Đức cho biết, một số hãng vận tải hàng không tìm cách đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử ngày càng tăng bằng cách cung cấp thêm công suất chuyến bay thuê bao.
“Shein đang liên tục tối ưu hóa các nỗ lực để đảm bảo trải nghiệm khách hàng tốt nhất và tính hiệu quả của hoạt động hoàn thiện đơn hàng”, người phát ngôn của Shein nói.
Nhu cầu thời trang nhanh tăng đột ngột bắt đầu từ năm ngoái, đẩy tăng giá cước vận tải hàng không từ Trung Quốc và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu năng lực vận chuyển trong dài hạn. “Dựa trên những gì chúng tôi đã thấy, mô hình thương mại điện tử dựa vào hàng không là không bền vững, xét từ quan điểm lợi nhuận hay môi trường”, Guillermo Ochovo, giám đốc của Cargo Facts Consulting nói.
Ông cho biết , cả Shein và Temu đang xem xét nhiều hơn về phương thực vận tải đường biển do chi phí vận chuyển hàng không cao. Họ cũng đang cân nhắc mở kho hàng bên ngoài Trung Quốc để rút ngắn thời gian vận chuyển. Shein đã bắt đầu gửi các sản phẩm thời trang đến các kho hàng ở Mỹ để rút ngắn thời gian vận chuyển.
Theo Wang Yongqiang, người sáng lập Baixiao.com, tốc độ tăng trưởng nguồn cung của các hãng vận tải hàng không đường dài không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong báo cáo triển vọng thị trường thương mại năm 2023, Boeing ước tính đội bay chở hàng của Trung Quốc sẽ tăng gấp ba lần, lên 750 máy bay trong giai đoạn 2022-2042. Hiện nay các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đang tìm cách thuê thêm máy bay vận tải.
Ông Niall van de Wouw, giám đốc nền tảng theo dõi cước vận tải hàng không Xeneta nhìn nhận, các thương hiệu thời trang nhanh đang gây ra sự mất cân bằng thương mại. Họ vận chuyển một lượng lớn hàng hóa bằng máy bay rời khỏi Hồng Kông nhưng khối lượng hàng hóa thấp hơn nhiều trên hành trình trở về. Những nền tảng thương mại điện tử mới của Trung Quốc đang thay đổi cuộc chơi trên thị trường vận tải hàng không. Họ đang nổi lên như những động lực tăng trưởng quan trọng và ngày một chi phối ngành vận tải hàng không.
Theo Reuters