Các hành vi luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp

Theo Quy tắc 21 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN, có 8 nhóm hành vi luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp…

Vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VN) đã tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến, hoàn thiện cuốn giải thích bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN”.

Cuốn dự thảo giải thích có nội dung giải thích chi tiết các quy tắc hành nghề, định hướng hành xử chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng hành nghề và uy tín của giới luật sư, là tài liệu để xã hội hiểu rõ hơn về trách nhiệm và giới hạn đạo đức của luật sư...

Cuốn giải thích này sau khi được ban hành sẽ có giá trị tham khảo và hướng dẫn chính thức cho giới luật sư, là tài liệu tham chiếu quan trọng trong việc giảng dạy, đào tạo và đặc biệt là khi xảy ra tranh luận về việc hiểu và áp dụng các chuẩn mực nghề nghiệp.

Thế nào là thông đồng với luật sư đồng nghiệp để mưu cầu lợi ích?

"Thông đồng, đưa ra đề nghị” với luật sư của khách hàng bên đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân mà khách hàng của chính luật sư không biết là ứng xử biểu hiện sự phản bội quyền lợi khách hàng của mình.

Tuy nhiên cũng có trường hợp, luật sư thực hiện hành vi này không phải là phản bội quyền lợi đối với khách hàng của mình, nhưng vì có biểu hiện hưởng lợi không chính đáng, xâm hại quyền lợi hợp pháp của khách hàng bên đối lập trong các trường hợp nêu trên. Những hành vi của luật sư khi hành nghề mà thông đồng với bên đối lập đều vi phạm về đạo đức nghề nghiệp luật sư.

“Thông đồng” được hiểu là có sự đồng ý của luật sư bên đối lập. Tuy nhiên, quy tắc này đặt ra trách nhiệm đạo đức cho mỗi luật sư là không được “đưa ra đề nghị” với luật sư bên đối lập để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân. Khi luật sư đưa ra lời đề nghị với luật sư bên đối lập, cho dù luật sư phía bên kia không đồng ý thì luật sư vẫn bị coi là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Theo Quy tắc 21 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN, có 8 nhóm hành vi luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp. Đó là:

1. Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp.

2. Thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân.

3. Tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc khi biết khách hàng đó có luật sư mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hoặc luật sư đại diện cho khách hàng đó biết.

4. Thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng.

5. Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng. Cụ thể, so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác; xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp; trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng trước trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác.

6. Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với luật sư như quan hệ thầy - trò, cấp trên - cấp dưới, huyết thống, thân thuộc.

7. Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề.

8. Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Theo cuốn giải thích, Quy tắc 21 mang tính cấm đoán, trong đó liệt kê 8 nhóm hành vi mà luật sư không được làm trong quan hệ với luật sư đồng nghiệp. Sự cấm đoán này nhằm mục đích bảo vệ các giá trị, phẩm chất tốt đẹp của cá nhân luật sư, nghề nghiệp luật sư. Đồng thời, các quy tắc này còn nhằm phòng ngừa, bảo vệ luật sư trước những hành vi thiếu chuẩn mực của luật sư khác trong nội bộ tổ chức luật sư.

Các nội dung quy tắc không chỉ là yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp đối với các luật sư mà còn là thông điệp thể hiện sự minh bạch của nghề luật sư trước xã hội, để xã hội hiểu được nghề luật sư là một nghề có yêu cầu rất cao về chuẩn mực ứng xử trong quan hệ đồng nghiệp.

Trong đó, đối với nhóm hành vi có lời nói, hành vi vu khống… thì vu khống là hành vi bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi vu khống là hành vi vi phạm pháp luật, cộng đồng xã hội lên án, bị cơ quan pháp luật xử lý. Luật sư là người am hiểu pháp luật nên việc vu khống, xúc phạm đồng nghiệp là hành vi không thể chấp nhận. Do vậy, quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư đặt ra quy phạm cấm đoán đối với hành vi này.

Trong mọi trường hợp, việc một luật sư “gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp" bằng lời nói, bằng bất kỳ hành vi, thủ đoạn nào nhằm chi phối, khống chế luật sư đồng nghiệp khác cũng là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp luật sư.

So sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư

Việc luật sư so sánh năng lực nghề nghiệp, cho rằng mình giỏi hơn, kinh nghiệm hơn, có thâm niên nghề lâu năm hơn luật sư khác để khách hàng hoang mang, dao động tâm lý mà chọn lựa luật sư là hành vi không tôn trọng đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, việc luật sư mang sự thuận lợi, phát triển tại vùng miền nơi luật sư, tổ chức hành nghề luật sư của mình đang hoạt động để so sánh với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác nơi vùng kinh tế kém phát triển, nơi hoạt động luật sư còn gặp nhiều khó khăn để chê bai luật sư khác và tự đề cao bản thân mình là hành vi vi phạm đạo đức sống nói chung và đạo đức nghề nghiệp luật sư nói riêng.

Các hành vi này vi phạm Quy tắc 17 (tình đồng nghiệp của luật sư), Quy tắc 19 (cạnh tranh nghề nghiệp) và quy tắc 21.5.1 (so sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác).

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-hanh-vi-luat-su-khong-duoc-lam-trong-quan-he-voi-dong-nghiep-post847190.html