Các hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh bắt đầu sụp đổ hàng loạt
Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Nga ngày càng xấu đi, các hiệp ước vũ khí lớn giữa hai nước cũng rạn nứt hoặc sụp đổ hoàn toàn.
Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung, Hiệp ước bầu trời mở và Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Trong những năm qua, các hiệp ước quan trọng về kiểm soát vũ khí quốc tế trên đều đã sụp đổ. Những thỏa thuận này được ký kết bởi Washington, Moskva cùng quốc gia khác tại thời điểm trong và sau Chiến tranh Lạnh nhằm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân, các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém hoặc căng thẳng quân sự nói chung.
Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) có thể sắp chứng kiến số phận tương tự.
Được ký năm 1996, hiệp ước này là một bước quan trọng nhằm ngăn chặn sự phổ biến của công nghệ vũ khí hạt nhân và kiểm soát kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Cùng với các hiệp ước trước đó, thỏa thuận CTBT cũng nhằm mục đích giảm phát tán chất phóng xạ vào khí quyển và đại dương trong những ngày hỗn loạn thời Chiến tranh Lạnh.
Vấn đề ở chỗ là hiệp ước này chưa bao giờ có hiệu lực vì một số quốc gia, trong đó có Mỹ, chưa phê chuẩn. Tuy nhiên, hầu hết các bên ký kết - gồm những quốc gia có kho vũ khí lớn nhất thế giới là Nga và Mỹ - vẫn tuân thủ lệnh cấm.
Tuy nhiên, giờ đây, Nga đang có ý định rút lui và hủy phê chuẩn hiệp ước trên. Dưới đây là những thông tin về CTBT:
Hoàn cảnh diễn ra?
Mỹ, Liên Xô cùng với Anh đã tiến hành hàng trăm vụ thử hạt nhân từ năm 1945 khi quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới được kích nổ ở bang New Mexico của Mỹ. Năm 1961, giới chức Liên Xô cho nổ loại vũ khí mạnh nhất thế giới là quả bom nguyên tử Sa hoàng Bomba. Pháp tham gia câu lạc bộ thử nghiệm hạt nhân vào năm 1960 và Trung Quốc là năm 1964.
Hậu quả, hoạt động rầm rộ trên đã dẫn đến lệnh cấm một phần các cuộc thử nghiệm trong khí quyển, đại dương và không gian vào năm 1963. Các vụ thử dưới lòng đất tiếp tục được cho phép.
Năm 1974, Ấn Độ thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên, mở rộng hơn nữa câu lạc bộ hạt nhân. Cuộc thử nghiệm năm 1980 của Trung Quốc đã trở thành cuộc thử nghiệm trong khí quyển cuối cùng trên thế giới.
Cuộc thử nghiệm dưới lòng đất cuối cùng của Moskva được tiến hành vào tháng 10/1990 tại quần đảo Bắc Cực xa xôi có tên Novaya Zemlya. Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc đều lần lượt tiến hành các vụ thử cuối, chủ yếu là dưới lòng đất, vào những năm tiếp theo và kết thúc trước năm 1996.
Chức năng của CTBT
CTBT cấm tất cả các thử nghiệm dẫn đến phản ứng phân hạch dây chuyền, về cơ bản là vụ nổ hạt nhân.
Được ký vào năm 1996, hiệp ước đã được gửi tới 187 quốc gia ký kết để phê chuẩn, nhưng chưa bao giờ có hiệu lực do có một nhóm quốc gia không tham gia.
Nga đã ký và phê chuẩn hiệp ước vào năm 2000. Mỹ đã ký, nhưng Thượng viện Mỹ từ chối phê chuẩn, với lý do lo ngại về việc xác minh việc tuân thủ lệnh cấm của các quốc gia khác. Mặc dù không phê chuẩn, Mỹ vẫn tuân thủ lệnh cấm. Trung Quốc ký nhưng không phê chuẩn. Cả Ấn Độ, Pakistan hay Triều Tiên - tất cả đều đã tiến hành các vụ thử hạt nhân mở từ năm 1996 - đều không phải là thành viên của hiệp ước.
Hiệp ước cho phép các quốc gia tiến hành các cuộc thử nghiệm dưới mức tới hạn hoặc hiệu suất bằng 0. Những điều đó liên quan đến chất nổ và vật liệu hạt nhân nhưng không dẫn đến phản ứng phân hạch, phản ứng khiến vũ khí nguyên tử có sức mạnh khủng khiếp. Cả Mỹ và Nga đều được biết là đã tiến hành các cuộc thử nghiệm như vậy.
Mặc dù không phê chuẩn hiệp ước, nhưng Mỹ vẫn tài trợ 33 triệu USD hàng năm cho một hệ thống được thành lập để giám sát các vụ thử hạt nhân có thể xảy ra, cũng như cho tổ chức có trụ sở tại Vienna chịu trách nhiệm giám sát hệ thống này.
Rủi ro hiện nay
Khi mối quan hệ giữa Washington và Moskva ngày càng xấu đi, các hiệp ước lớn giữa họ cũng rạn nứt hoặc sụp đổ hoàn toàn.
Washington đơn phương rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) vào năm 2002, khiến Moskva tức giận. Washington nhiều năm qua đã cáo buộc Moskva gian lận trong Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cho đến khi hiệp ước này sụp đổ vào năm 2019. Năm 2021, Nga rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở. Đây là hiệp ước cho phép các nước thực hiện các chuyến bay giám sát trên lãnh thổ của nhau để quan sát vũ khí và các địa điểm quân sự.
Cả hai nước vẫn tuân thủ New START, trong đó giới hạn số lượng đầu đạn cùng phương tiện vận chuyển mà mỗi nước có thể sở hữu.
Việc cả Nga và Mỹ gia hạn New START đầu năm 2021 là một điểm sáng duy nhất trong bối cảnh kiểm soát vũ khí đang tiếp tục bị xói mòn.
Nhưng thỏa thuận này sẽ hết hạn vào năm 2026 và không thể gia hạn. Trừ khi một hiệp ước kế tiếp có thể được thống nhất và phê chuẩn, sẽ không có giới hạn nào về kho vũ khí của các nước sau năm đó. Căng thẳng về Ukraine đã khiến hai bên thậm chí không cử thanh sát viên tới nước của nhau như quy định trong New START.
Cả hai nước cũng đã chuyển sang hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí. Nhưng trong một dấu hiệu cho thấy sự ngờ vực ngày càng sâu sắc, Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất trong một báo cáo năm 2022 rằng Nga đã không tuân thủ tiêu chuẩn thử nghiệm.
Lập trường của Nga
Hơn một thập kỷ qua, Điện Kremlin đã tăng cường chi tiêu không chỉ cho vũ khí thông thường và tiềm lực của quân đội mà còn hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí chiến lược.
Năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga đang phát triển các loại vũ khí mới như ngư lôi dưới nước không người lái, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tên lửa "lượn" siêu vượt âm. Ông cũng nói về việc phát triển tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik.
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động gia tăng trên quần đảo Novaya Zemlya. Hình ảnh vệ tinh cho thấy việc gia tăng xây dựng tại một hoặc có thể hai khu định cư mà các nhà nghiên cứu đã xác định là địa điểm có thể thử nghiệm thiết bị hạt nhân Burevestnik.
Ngày 5/10, ông Putin công bố nước này thử nghiệm thành công Burevestnik, mặc dù không cung cấp thông tin chi tiết.
Ông chủ Điện Kremlin cũng để ngỏ khả năng Nga nối lại thử nghiệm hạt nhân khi nói rằng nước này có thể "hủy phê chuẩn" CTBT. Một tuần sau, vào ngày 12/10, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga đưa ra luật rút lại quyết định phê chuẩn.
Viễn cảnh Nga rút lui đã dấy lên hồi chuông cảnh báo với CTBTO, tổ chức có trụ sở tại Vienna chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ hiệp ước CTBT.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ngay cả khi việc "hủy phê chuẩn" xảy ra, điều đó không nhất thiết là Nga sẽ bắt đầu cho nổ urani hoặc plutoni một lần nữa, ở Novaya Zemlya hay nơi nào khác.
Ông Nikolai Sokov, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nga và là chuyên gia kiểm soát vũ khí, cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc rút lại phê chuẩn là một bước đi chính trị nghiêm túc - san bằng vị thế với Mỹ. Tôi nghĩ mục tiêu chính ở đây là Nga muốn nêu rõ đã cố gắng và nhượng bộ quá nhiều trong quá khứ. Và giờ đây chúng tôi không quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí nhiều hơn các nước khác nữa”.
Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Duma, nhấn mạnh rằng Nga sẽ không rút lại chữ ký trong hiệp ước hoặc rút khỏi lệnh cấm tự nguyện thử nghiệm hạt nhân. Ông nói với tờ Kommersant: “Chúng tôi đang rút lại việc phê chuẩn, do đó khôi phục lại sự bình đẳng về mặt lập pháp với Quốc hội Mỹ”.
“Việc thu hồi phê chuẩn không có nghĩa là Nga có ý định nối lại các vụ thử hạt nhân, mà ngụ ý rằng Nga sẽ tiếp tục tham gia đầy đủ vào công việc đang được thực hiện để hiệp ước có hiệu lực”, ông Mikhail Ulyanov, Đại sứ Nga tại Vienna nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là một tín hiệu tốt khi những hiệp ước kiểm soát vũ khí khác đã sụp đổ.
Bà Lynn Rusten, cựu nhà đàm phán kiểm soát vũ khí của Mỹ, nhận xét rằng việc Nga hoặc bất kỳ cường quốc hạt nhân lớn nào rút lui khỏi CTBT sẽ là một đòn giáng mạnh vào mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời chắc chắn sẽ dẫn đến một loạt vụ thử hạt nhân của các quốc gia khác.
Các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc kiểm soát vũ khí khác cũng có thể gặp rủi ro. Vì theo chuyên gia Nikolai Sokov, Điện Kremlin đã bắt đầu xem xét lại tất cả các hiệp định tương tự.
Ông nói rằng một hiệp ước có thể bị hủy phê chuẩn hoặc hạ thấp mức tham gia của Nga là Công ước về vũ khí hóa học năm 1992, trong đó bắt buộc các thành viên phải tiêu hủy kho vũ khí hóa học.