Các mã cổ phiếu dịch vụ Dầu khí 'sáng triển vọng'
Với đà tăng và neo ở mức cao của giá dầu, hoạt động dầu khí thượng nguồn được kích hoạt mạnh, sôi động, giúp các công ty dịch vụ Dầu khí có được nhiều việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh, qua đó cũng kéo theo đà tăng và củng cố triển vọng tích cực của các mã cổ phiếu lĩnh vực dịch vụ dầu khí, nổi bật như: PVS, PVD, PVT,…
Giá dầu thô có nhịp tăng mạnh kể từ ngày đầu tháng 9/2023, vượt 90 USD/thùng, đạt mức giá cao nhất trong vòng 10 đến 12 tháng qua. Giá dầu được hỗ trợ sau khi Ả Rập Xê-út và Nga cắt giảm tổng sản lượng 1,3 triệu thùng/ngày đến cuối năm. Giới phân tích quốc tế kỳ vọng, giá dầu có thể lên mức trên 100 USD/thùng trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024. Ngày 28/9, giá dầu tiếp đà tăng, chạm mức cao nhất năm 2023 khi các yếu tố hỗ trợ kết hợp với tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/9 theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2023 ở mức 94,59 USD/thùng, tăng 0,91 USD trong phiên và tăng 4,06 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 27/9. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 12/2023 đứng ở mức 95,03 USD/thùng, tăng 0,13 USD trong phiên và tăng 2,47 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 27/9.
Bên cạnh đó, những lô dầu khí hiện hữu đang trong giai đoạn khai thác đã có xu hướng giảm về sản lượng. Vì vậy, việc triển khai hoạt động khoan thăm dò/phát triển những lô dầu khí mới đang rất cấp bách, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở khắp các nước có tiềm lực dầu khí mạnh. Giá dầu và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, đã tác động tích cực đến các chương trình phát triển khai thác. Trong đó, Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng có những chính sách đẩy mạnh các dự án thăm dò và tìm kiếm trong thời gian sắp tới theo điều kiện của Luật Dầu khí mới, với các kế hoạch thúc đẩy phát triển các dự án lớn như Lô B – Ô Môn, Cá Voi Xanh,… tạo động lực tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp thượng nguồn, kéo theo sự phát triển của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực thượng nguồn.
PTSC/PVS – Mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy hứa hẹn
Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán: PVS) vừa qua đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 ghi nhận kết quả SXKD ấn tượng, tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Theo đó, quý 2/2023, PTSC đạt doanh thu đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 292 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 237 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, PTSC đạt doanh thu 8,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 559 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 464 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.
Bên cạnh lĩnh vực dịch vụ truyền thống, lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi/ điện gió ngoài khơi (NLTTNK/ĐGNK) đã và đang mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy hứa hẹn cho PTSC với định hướng phát triển PTSC thành nhà thầu cung cấp dịch vụ tầm quốc tế về NLTTNK bên cạnh lĩnh vực Dầu khí truyền thống đang thực hiện; Tham gia đầu tư, phát triển các dự án sản xuất năng lượng tái tạo mà bước đầu là ĐGNK tại các vùng biển Việt Nam.
PTSC hiện là nhà tổng thầu có năng lực hoàn thiện nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực NLTTNK. PTSC cũng là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án ĐGNK nói riêng và NLTTNK nói chung. Tiên phong trong lĩnh vực này, PTSC đã gặt hái được nhiều thành công, tham gia cung cấp dịch vụ cho các dự án ĐGNK cho nhiều khách hàng lớn ở nước ngoài, cũng như trong dự án phát triển ĐGNK trong nước để xuất khẩu sang Singapore;… Nổi bật, gần đây là việc PTSC thắng thầu hợp đồng chế tạo 33 chân đế tuabin gió cho dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan (Trung Quốc) của khách hàng Châu Âu là nhà phát triển điện gió ngoài khơi số 1 thế giới hiện nay. Đây là kết quả rất quan trọng và tạo tiền đề cho PTSC thực hiện thành công định hướng phát triển trong lĩnh vực NLTTNK.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVS của PTSC giao dịch tích cực, đạt mức giá 37.400 đồng/cổ phiếu (ngày 27/9/2023), tăng hơn 60% trong vòng một năm qua.
PV Drilling/PVD – Tăng trưởng nhu cầu giàn khoan và giá cho thuê
Nhu cầu giàn khoan tự nâng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung suy giảm, đẩy giá cho thuê giàn khoan có thể lên trên 150.000 USD/ngày.
Với tác động của giá dầu và vấn đề an ninh năng lượng, các chương trình phát triển khai thác đang được thúc đẩy, do đó, nhu cầu giàn khoan và dịch vụ kỹ thuật giếng khoan đã và dự báo sẽ tiếp tục có những chuyển biến đáng kể. Nhu cầu giàn khoan tự nâng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong khi nguồn cung suy giảm, đẩy giá cho thuê giàn khoan có thể lên trên 150.000 USD/ngày. Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu thị trường và các nhà thầu khoan lớn trên thế giới, mức giá 150.000USD/ngày vẫn chưa thể đạt mức hiệu quả để tiến hành các dự án đóng mới giàn khoan do chi phí đóng mới tăng rất cao so với trước đây, đồng thời cần một khoảng thời gian từ hai đến ba năm để hoàn thành việc đóng mới giàn. Do đó nguồn cung giàn khoan không thể tăng trong ngắn hạn. Vì thế, về ngắn hạn, trạng thái cân bằng cung - cầu trong lĩnh vực cung cấp giàn khoan hiện tương đối ổn định, dẫn đến giá cho thuê được cải thiện tốt.
Trong điều kiện thị trường thuận lợi, hoạt động SXKD của PV Drilling thời gian qua chuyển biến tích cực, biên lợi nhuận gộp quý 2/2023 tăng mạnh lên 25,4% so với mức 19,39% của quý 1/2023 và 8,17% của quý 2/2022. Trong đó, mảng dịch vụ khoan ghi nhận sự cải thiện biên lợi nhuận gộp đáng chú ý ở mức 23,05% nhờ vào việc giá vốn giảm 27,36% so với cùng kỳ. Sau 6 tháng, PV Drilling đạt 207,14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch Ban lãnh đạo đề ra tại ĐHĐCĐ năm nay.
Giá dầu hiện tại đã vượt 90 USD/thùng và kỳ vọng sẽ xoay neo ở mức cao trong năm 2023 là động lực để các hoạt động khoan dầu tiếp tục được triển khai. Giá thuê giàn trung bình đạt mức 75.000 – 80.000 USD/ngày so với mức trung bình 60.000 USD/ngày năm 2022. Các giàn của PV Drilling hoạt động đều có việc làm trong năm 2023. Giàn 11 cũng đã được đối tác GBRS tại Algeria gia hạn hợp đồng tới năm 2024 sau khi hết hợp đồng vào tháng 9 năm nay. Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) khuyến nghị “Mua” PVD với giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu nhờ vào triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2023.
PVTrans/PVT – Tiếp đà tăng trưởng 12 năm liên tục
Trong quý 2/2023, lợi nhuận của PVTrans tăng trưởng mạnh nhờ thanh lý tàu, cùng sự đóng góp từ hoạt động đầu tư tàu mới. Doanh thu hợp nhất của PVTrans quý 2/2023 đạt 2.098 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ; tuy nhiên lợi nhuận trước thuế đạt 456 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế gần 376 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận gộp của PVTrans ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, từ 19,5% trong quý 2 năm 2022 lên 22,81% trong quý 2/2023, là một trong những quý cao nhất từ trước đến nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, PVTrans đạt doanh thu 4.135 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 753 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 612 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022. Kết quả này cũng cho thấy, PVTrans đang tiếp tục đà tăng trưởng trong 12 năm liên tiếp, khẳng định là Tổng công ty mạnh, cũng như đơn vị dịch vụ mạnh trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, doanh nghiệp vận tải biển số 1 Việt Nam.
Tổng số lượng tàu sở hữu và khai thác của PVTrans hiện nay đã lên 47 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,3 triệu DWT.
Chiến lược đẩy mạnh trẻ hóa đội tàu của PVTrans trong nhiều năm qua được đánh giá tích cực, đã mang lại trái ngọt cho PVTrans đến thời điểm này. Trong thời gian vừa qua, PVTrans đã nhanh chóng phát triển đội tàu đa dạng chủng loại từ tàu chở dầu thô, tàu chở dầu/ hóa chất, tàu chở LPG, tàu chở hàng rời đến tàu chứa dầu FSO. Chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh được nâng cao cả trong nước và trên thị trường quốc tế.
Với hiệu quả SXKD, cổ phiếu PVT thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, duy trì giao dịch tích cực, tính thanh khoản cao, đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Đặc biệt trong trong đợt review tháng 8/2023, Morgan Stanley Capital International (MSCI) - tổ chức nghiên cứu và phân tích chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới - đã thêm mới cổ phiếu PVT vào rổ danh mục của chỉ số MSCI Frontier Markets Index - chỉ số tham chiếu cho quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF. Việc ghi nhận này không chỉ thể hiện bước tiến vượt bậc của cổ phiếu PVT mà còn góp phần nâng cao vị thế của PVTrans trên thị trường; giúp cho PVT tăng khả năng thu hút thêm dòng vốn ngoại, cả từ các quỹ đầu tư chủ động (active funds) và quỹ hoán đổi giao dịch (ETF) khi tập trung mua bán chứng chỉ quỹ dựa trên các cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số này. Sự hiện diện trong rổ chỉ số quốc tế uy tín này giúp PVT tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm và tin tưởng hơn nữa từ các quỹ đầu tư.
Công ty CP chứng khoán VNDIREC đánh giá “Chúng tôi nhận thấy xu hướng vững chắc đối với cả phân khúc vận tải dầu thô và nhiên liệu với triển vọng tích cực trong một vài năm tới nhờ: sự dịch chuyển dòng chảy thương mại sang các tuyến hải trình dài hơn sau lệnh cấm nhập khẩu của EU đối với dầu Nga và nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng đội tàu bị giới hạn do số lượng đơn đặt hàng ở mức thấp trong những năm gần đây, đặc biệt là đối với đội tàu chở nhiên liệu. Hơn nữa, các quy định mới về tiêu chuẩn khí thải dự kiến sẽ có tác động điều chỉnh hơn nữa đối với nguồn cung tàu chở dầu đang hoạt động. Các yếu tố này hỗ trợ tích cực cho hoạt động của các đơn vị vận tải biển như PVTrans”.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-ma-co-phieu-dich-vu-dau-khi-sang-trien-vong-695333.html