Các ngân hàng rốt ráo xử lý khoản nợ tại VAMC
Đến nay, đã có 8 thành viên trong hệ thống các ngân hàng không còn nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đó là Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, MB, OCB, Nam A Bank và mới nhất là Kienlongbank vừa tất toán trước hạn các khoản nợ xấu.
Ngày 17/12, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thông báo việc Kienlongbank (mã KLB - UPCoM) đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC. Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019, Kienlongbank đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trước ngày 31/12.
Tại thời điểm 31/12/2018, Kienlongbank ghi nhận còn 153 tỷ đồng trái phiếu VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 94 tỷ đồng. Sau khi tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC, Kienlongbank sẽ không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ ngày 1/1/2020, qua đó góp phần gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng trong thời gian sắp tới.
Đặt mục tiêu xóa sạch nợ tại VAMC cuối năm 2019 nhưng TPBank đã sớm hoàn thành so với kế hoạch ban đầu. Ngân hàng này đã mua tại toàn bộ trái phiếu đặc biệt (nợ xấu) từng bán cho VAMC để chủ động xử lý; đồng thời trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ lượng nợ xấu này. Trước đó, dư nợ gốc mà TPBank đã bán cho VAMC lũy kế khoảng 1.150 tỷ đồng. Hàng năm, ngân hàng thực hiện việc mua lại trái phiếu VAMC trước hạn theo khả năng tài chính của mình. Riêng năm 2019, TPBank đã trích đủ dự phòng và mua lại toàn bộ 756,5 tỷ đồng danh mục trái phiếu còn lại.
Việc mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC, đòi hỏi TPBank phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung trong năm nay hơn 400 tỷ đồng nhưng sẽ giúp TPBank giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro trong các năm tới, xóa hoàn toàn số dư nợ xấu đã bán cho VAMC, đưa số liệu nợ xấu của ngân hàng về đúng thực chất. Động thái này cũng cho thấy những tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính và tình hình kinh doanh khả quan của ngân hàng, dù trích thêm dự phòng nhưng vẫn vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra.
VIB cũng đã sớm mua lại các khoản nợ xấu bán cho VAMC và không còn dư nợ tại đây. Theo VIB, việc tất toán trái phiếu VAMC tác động tích cực lên hoạt động ngân hàng, làm sạch nợ ngoại bảng.
Theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của BIDV, ngân hàng này cho biết sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ đã bán cho VAMC và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay.
Đại diện VPBank cho biết: Chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận 2019 ở mức 9.500 tỷ đồng, tăng chỉ 3% so với năm 2018 do cũng một phần mong muốn tập trung xử lý dứt điểm số nợ xấu bán cho VAMC ngay trong năm nay, khoảng 3.160 tỷ đồng.
Với Eximbank, ngân hàng này dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ mua lại hết nợ đã bán cho VAMC. Eximbank dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC trong năm nay là 2.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước; còn sau trích lập, lãi trước thuế là 1.077 tỷ đồng, tăng 30% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngân hàng, việc mua lại nợ xấu đã bán sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, nhất là khi hàng loạt quy định về giải pháp xử lý nợ xấu đột phá đã được chính thức ban hành qua Nghị quyết 42 của Quốc hội. Xu hướng này cũng đang tiếp tục lan rộng, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức thấp, các ngân hàng có được lợi nhuận khá cao trong những năm qua.
“Việc mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý nợ xấu, nhưng điều này đòi hỏi nợ xấu nội bảng của ngân hàng phải ở mức thấp và có phần lợi nhuận dồi dào để trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ nhận về”, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng nói.
Là ngân hàng đầu tiên xử lý và trích lập dự phòng đầy đủ, mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục định hướng các ngân hàng thương mại tập trung vào công tác kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý thu hồi nợ. Năm 2019, Vietcombank đặt chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và thu nợ đã xử lý dự phòng rủi ro là trên 3.500 tỷ đồng. Đây là mục tiêu đầy “tham vọng” nhưng Vietcombank tin tưởng với sự chung sức của xã hội, sự chỉ đạo và lãnh đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và NHNN, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành các cấp, Vietcombank sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra.
Với việc chủ động triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý chất lượng nợ, thu hồi và xử lý nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ bán VAMC, chất lượng tín dụng tại VietinBank không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu toàn hàng luôn thấp hơn giới hạn yêu cầu của cơ quan quản lý.
Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank trong các năm trở lại đây dao động xung quanh mức 1,5%, thuộc Top các Ngân hàng đang niêm yết có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống.
Được biết, VAMC có kế hoạch thu hồi 50.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2019, phát hành trái phiếu đặc biệt 20.000 tỷ đồng và mua nợ xấu theo giá thị trường 4.500 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VAMC, sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trong việc mua nợ.