Các ngân hàng sẽ tăng bao nhiêu vốn trong năm 2025?
Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại được dự báo sẽ 'nóng' ngay những tháng đầu năm 2025.
Trên 1,1 triệu tỷ đồng vốn điều lệ toàn hệ thống
Cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR), đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% là yếu tố chính để nhiều ngân hàng rốt ráo đẩy nhanh việc tăng vốn điều lệ trong năm 2025, ước tính cả trăm nghìn tỷ đồng.
Năm 2024, thị trường ngân hàng ghi nhận sự tăng vốn của một loạt các ngân hàng thương mại với khoảng 10% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống. Tính đến hết năm 2024, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, góp phần đưa tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế khoảng khoảng 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy riêng năm 2024, hệ thống ngân hàng đã cung ứng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% và tăng trưởng kinh tế 8% của năm 2025 thì các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh cung ứng vốn ra nền kinh tế, nhưng vẫn phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hệ thống. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ là giải pháp được nhiều ngân hàng lựa chọn.
Thực tế, trong kế hoạch đại hội cổ đông được nhiều ngân hàng thương mại công bố, thường sẽ diễn ra trong tháng 3 và 4/2025, kế hoạch tăng vốn điều lệ được đề cập rất rõ.

Phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu thành công vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên gần 83.557 tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Nghị quyết số 48/NQ-VCB-HĐQT của Hội đồng Quản trị ngân hàng này về việc phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 đã đưa ra con số dự kiến tăng vốn điều lệ hơn 27 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, nhà băng này dự kiến phát hành gần 2,77 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ 49,5% cho cổ đông hiện hữu ngay trong năm 2025. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng lên gần 83.557 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 27.666 tỷ đồng.
Một big4 khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Kế hoạch tăng vốn cũng sẽ được ngân hàng thông qua tại đại hội cổ công tới đây.
Dự kiến sẽ chào bán 123,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong quí 1/2025, với mức giá 38.800 đồng/cổ phiếu; số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành này là hơn 4.803 tỷ đồng. Nếu thương vụ thông suốt, vốn điều lệ ngân hàng sẽ vượt mức 70.200 tỷ đồng.
Nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh
Với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023 vừa được Hội đồng Quản trị Ngân hàng phê duyệt cũng đã cho thấy rõ số tiền để tăng vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận riêng lẻ năm 2023 của VietinBank đạt gần 19.457 tỷ đồng, sau điều chỉnh do thay đổi lợi nhuận năm trước còn 19.454 tỷ đồng có thể phân phối.
Ngân hàng đã thực hiện trích lập các quỹ theo quy định và sau khi trích lập, lợi nhuận còn lại hơn 12.565 tỷ đồng sẽ được sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan quản lý.
Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chấp thuận giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (khoảng 11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, ngân hàng cũng lên kế hoạch nâng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016. Vì thế, nếu được chấp thuận và triển khai xong tất cả kế hoạch nêu trên thì vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 91.635 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ cũng là trăn trở của Big4 còn lại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Tại buổi gặp mặt của Thủ tướng với hệ thống ngân hàng vừa diễn ra, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank bày tỏ, là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big 4 chưa cổ phần hóa nên ngân hàng gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước.
Để đáp ứng nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay, lãnh đạo ngân hàng này đã đề nghị Chính phủ mỗi năm bổ sung vốn tự có 15.000 - 17.000 tỷ đồng cho ngân hàng. Trong đó, xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, và Agribank muốn thực hiện ngay trong năm 2025 để ngân hàng tập trung tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mới đây cũng có thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 11% vào ngày 27/2 tới. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên 40.658 tỷ đồng. Theo SHB, việc liên tục tăng vốn điều lệ có ý nghĩa quan trọng, giúp nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời đáp ứng các lợi ích kỳ vọng của cổ đông.
Chuyên gia kinh tế: Tăng vốn điều lệ là một trong những vấn đề quan trọng và cách hữu hiệu nhất giúp ngân hàng tăng tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo an toàn hoạt động và là cơ sở để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.